vendredi 15 septembre 2023

DÂN CA 3 MIỀN

Một Công Trình Để Đời của Nhạc Sĩ Y Vân
Nhạc sĩ Y Vân rất đa tài, ngoài những sáng tác đa dạng thuộc nhiều thể loại được ưa thích trước năm 1975 tại Miền Nam, ông còn là một nhạc sĩ hòa âm sáng giá, nổi tiếng ăn khách trong giới kinh doanh sản xuất thu băng đĩa nhạc. Nhạc sĩ Y Vân có thời gian cộng tác với hãng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca do Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông làm giám đốc nghệ thuật; đó cũng là nơi Y Vân đã để lại một dấu ấn đặc biệt ít người biết trong thời vàng son của ông. Nhớ lại thời gian trước năm 1960, khi băng cassette và các loại băng gọi là tape magnétique chưa thịnh hành ở Việt Nam, (thời ấy các hãng băng đĩa nhạc còn sản xuất những chương trình ca nhạc bằng đĩa than, rồi qua đĩa microsillons 45 tours) Nhạc sĩ Y Vân đã là "ngôi sao sáng" về hòa âm, có hợp đồng dài hạn với hãng Continental, Sơn Ca, đặc biệt phụ trách phần hòa âm cho bộ môn Tân Cổ nhạc, vì ông có biệt tài phối khí, thêm thắt, uốn nắn những bài nhạc mang âm hưởng dân ca Nam bộ thêm nét mượt mà. Suốt từ thời gian này cho đến năm 1975, Nhạc sĩ Y Vân là một trong những nhạc trưởng tài hoa cùng thời với Nghiêm Phú Phí, Lê văn Thiện, Văn Phụng, thuộc hàng đắt khách nhất của các trung tâm băng đĩa nhạc ở Sài Gòn.

 

Có một công trình văn nghệ lớn nhất trong cuộc đời của nhạc sĩ Y Vân mà ít người biết, đó là chương trình âm nhạc “ Dân ca 3 Miền”, được thâu thanh trình bày trong băng đĩa nhạc Continental số 6. (Xem hình bìa băng đĩa nhạc và mục lục). Đây là chương trình nghệ thuật do Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông  phác thảo và Nhạc sĩ Y Vân đã dày công sưu tầm tài liệu, chọn lựa kỹ lưỡng từ trong kho tàng nhạc dân gian của 3 miền Nam Trung Bắc rồi cho phát triển theo hướng hiện đại. Hãng đĩa Continental đã đầu tư một tài khoản lớn cho công cuộc sưu tầm nghiên cứu này, gồm luôn khảo sát tại các miền nếu có thể được, sưu tập nhạc khí cổ, tập hợp ca sĩ và ca nương, trình bày theo mẫu xưa, đúng với tập tục cổ truyền của từng địa phương. Chương trình gồm có 20 tiết mục dân ca chọn lọc phân chia đều cho 3 miền đất nước với những giọng ca tiêu biểu cho từng vùng. Tập trung vào các ca sĩ gốc Nam Trung Bắc như: Thái Thanh, Bùi Thiện, Hoàng Oanh, Sơn Ca, Mai Hương, Hồng Vân, Thanh Tuyền và các ca sĩ trong hai ban Tam Ca Đông Phương và Bốn Phương - chuyên hát loại dân ca. 
Chương trình này còn có thêm ấn bản bằng Anh ngữ mang tựa đề ”VIETNAMESE TRADITIONAL SONGS” để gởi tặng cho Toà Đại Sứ các nước và các cơ quan văn hóa ở hải ngoại. Việc làm này có tiếng vang lớn trong quốc nội lẫn quốc tế, được tổ chức Unesco của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam khích lệ và hứa giúp đỡ giới thiệu ra thế giới. Unesco sẵn sàng đón nhận hồ sơ khi hoàn tất thủ tục ghi danh là "di sản thế giới" (world heritage). Lúc bấy giờ việc này còn quá mới mẻ ở Việt Nam mà như chúng ta biết Unesco là một tổ chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc, với chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa thế giới, về vật thể và cả về phi vật thể.
Khi ấy, ông Tổng Giám Đốc Unesco của Liên Hiệp Quốc là người Pháp tên René Maheu, vì có hiểu biết về văn hóa truyền thống Việt Nam nên hứa hổ trợ về mặt cho chuyên gia giúp tay trong việc củng cố hồ sơ di sản dân ca Việt Nam. Nhờ sự hướng dẫn và giúp đỡ chí tình của tổ chức quốc tế nói trên, Ban Giám Đốc hãng đĩa Continental cùng với Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông và Nhạc sĩ Y Vân đã hoàn tất hồ sơ "Dân ca 3 miền" vào năm 1974, để sau cùng thông qua 2 Bộ Ngoại Giao và Bộ Thông Tin duyệt xét, trước khi chính thức chuyển cho tổ chức Unesco.  Hồ sơ dự tính trình lên Unesco vào đầu năm 1975 nhưng thật không may vì thời gian này tình hình chiến sự đã có những chuyển biến phức tạp. Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông là người đứng đầu chương trình, vốn là quân nhân, ông bận rộn việc quân ngũ trong thời điểm dầu sôi lửa đỏ, không thể đứng ra điều trần hồ sơ di sản dân ca này trước Uỷ ban của Unesco.  Như chúng ta đều biết, thời cuộc năm 1975 diễn biến quá nhanh đã làm tuột khỏi tầm tay một dịp may hiếm có, để Việt Nam Cộng Hòa có cơ hội bước chân vào thế giới văn hóa của tổ chức Unesco. Người bị thiệt thòi nhiều nhất là Nhạc sĩ Y Vân vì thế giới không biết đến một công trình ngoại hạng của ông trong việc đóng góp quan trọng vào nền văn hóa Việt Nam. Sau này, chính quyền Cộng Sản tiếp tục thế chỗ thành viên của Việt Nam Cộng Hòa trong tổ chức Unesco và đã trình bày hồ sơ Ca Trù và Quan Họ để trở thành di sản thế giới.
Tưởng cũng nên nhắc lại, Việt Nam Cộng Hòa là thành viên của Unesco từ năm 1951 dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại, khi ấy đã có khoảng 160 nước tham gia vào tổ chức này của Liên Hiệp Quốc.
Phan Anh Dũng sưu tầm (Richmond, Virginia USA - 5 tháng 10, 2011)


  

                                  
                 Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông                          Nhạc sĩ Y Vân 

Dân Ca 3 Miền Nam Trung Bắc - Continental Cassette  
                
LÀN ĐIỆU DÂN CA 3 MIỀN
1- THỀ NON NƯỚC - Ý thơ của Tản Đà - soạn theo làn hơi Hát Ả Đào, địa phương Hà Đông.2- LÊN THÁC XUỐNG GHỀNH - Ca dao VN, phát triển làn hơi Chèo Bắc.3- LÝ CÁI CÒ - Ca dao VN, dân ca Bắc, địa phương Bắc Ninh.4- MÔ, TÊ, RĂNG, RỨA - Dân ca ba xứ Thanh, Nghệ, Tĩnh.5- LƯỢNG VÀNG KHÔNG TIẾC - Ca dao VN - Dân ca  miền Nam.6- GIÓ ĐÁNH ĐÒ ĐƯA – Lời ca dân gian - phát triển làn điệu ca Bắc.7- LÝ QUA ĐÈO - Lời ca dân gian - Dân ca miền Trung.8- LÝ NUÔI ONG - Lời ca dân gian - Dân ca  miền Nam.9- VANG BÓNG THỜI XƯA - Dân ca miền Nam.10- VĂN TẾ KHÓC CHỒNG - Ca dao VN - soạn theo Chầu Văn.11- HÁT BAI, HAI BÁT - Ca dao VN – Dân ca Bắc địa phương Sơn Tây.12- LÝ CHIM QUYÊN - Lời ca dân gian – Dân ca miền Nam Trung Việt.13- TUỔI VỀ CHIỀU - Ý thơ xưa - soạn theo Chèo cổ Bắc.14- CẦU SƯƠNG, ĐIẾM CỎ - Ý thơ xưa - soạn theo điệu nhạc Huế - Thừa Thiên.15- ĐÒ DỌC, ĐÒ NGANG - Dân ca Nam Bộ - Tiền Giang, Hậu Giang, Cửu Long.16- LÝ TOAN TÌNH - Ca dao VN - Dân ca Bắc Bộ.17- QUA CẦU GIÓ BAY - Ca dao VN - soạn theo Quan Họ Bắc Ninh.18- LÝ GIANG NAM - Lời ca dân gian - Dân ca miền Trung.19- HÁI QUẢ - Ca dao VN - soạn theo hơi Bắc Quan Họ.20- VIỆT NAM MUÔN THUỞ - soạn theo Dân nhạc, hơi Bình bán cải lương.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire