samedi 6 octobre 2012

TÌNH CA VIỆT NAM - NHẠC CHỦ ĐỀ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN 1970

NHẠC CHỦ ĐỀ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN 1970 
Biên soạn: Phan Anh Dũng

   
                   >> Bấm vào đây để nghe toàn bộ "TÌNH CA VIỆT NAM"

       






Cách đây vài tuần tôi có làm một trang về bản nhạc "Sài Gòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về" của tác giả Bảo Chương. Trong khi nghiên cứu về bản nhạc này thì tôi được biết ca sĩ (Khuất) Duy Trác, khi còn ở trong nước đã dùng bút hiệu Bảo Chương, cũng như một số tác giả khác như Nguyễn Đình Toàn dùng bút hiệu Hồng Ngọc để gởi "chui" các tác phẩm ra hải ngoại.  Khoảng 1978, Khánh Ly trình bày bản nhạc "Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên", nhưng không tiết lộ tên tác giả cho đến khi phát hành cassette "Người Di Tản Buồn" (Trung Tâm Sóng Nhạc) vào năm 1981. Thật ra bản nhạc này có tựa đề là "Nước Mắt Cho Sài Gòn", sáng tác - nhạc và lời - của Nguyễn Đình Toàn.
Ngược dòng thời gian, thuở còn niên thiếu ở Sài Gòn, mấy chị em tôi thường ngồi học chung một bàn ở nhà. Tôi nhớ hai bà chị tôi vừa học vừa mở radio, vặn nho nhỏ để nghe các chương trình ca nhạc của Đài Phát Thanh Sài Gòn, trong đó có Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Tôi nhớ mang máng là Ông có cách giới thiệu bản nhạc thật đặc biệt, chải chuốt, lời như thơ, giọng trầm ấm, có lẽ nhờ đó mà được nhiều nữ thính giả yêu thích.
Năm 2004, bà chị cả của tôi yêu cầu tìm giùm CD "Tình Ca Việt Nam", một chương trình nhạc do Nguyễn Đình Toàn chọn lọc và ra mắt năm 1970. Sau khi tìm được cho chị, tôi mới có dịp nghe trọn CD. Quả là một chương trình hay: toàn những bản nhạc nổi tiếng, hòa âm hay (tiêu chuẩn thời ấy) với ban nhạc Nhật Bằng, lời giới thiệu của Nguyễn Đình Toàn ngọt ngào, kỹ lưỡng cho từng bản nhạc, với những giọng ca hàng đầu lúc ấy như Thái Thanh, Sĩ Phú, Lệ Thu, Duy Trác, Khánh Ly. Tôi nghĩ Nguyễn Đình Toàn cố ý chọn một giọng ca "lạ", Võ Anh Tuấn, hát với phát âm miền Nam bài "Dạ Khúc" của Nguyễn Mỹ Ca. Ông cũng tạo ngạc nhiên cho thính giả với song ca nam Sĩ Phú & Duy Trác hát "Tình Khúc Cho Em" của Lê Uyên Phương.
*** Ghi chú: Băng nhạc "Tình Ca Việt Nam" may mắn được Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng (Santa Maria, California) đem theo khi di tản qua Hoa Kỳ. Nhà văn Bích Huyền đã đem tape này đến một trung tâm nhà nghề chuyên kỹ thuật chỉnh về âm thanh để sau đó phát hành dưới hình thức CD ***
Ở trên, tôi viết lan man về khía cạnh nhạc của Nguyễn Đình Toàn nhưng thật ra Ông được biết đến nhiều hơn ở địa hạt thi văn với khoảng 20 tác phẩm về văn và thơ đã được xuất bản. Truyện dài "Áo Mơ Phai" của Ông đã được giải Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc năm 1973. Sau 1975, Ông đi tù một thời gian và sang định cư ở Hoa Kỳ cuối thập niên 1990. Nhạc phẩm của Ông được phổ biến qua 2 CD: "Hiên Cúc Vàng" và "Mưa Trên Cây Hoàng Lan" do Khánh Ly thực hiện và CD "Tôi Muốn Nói Với Em" do Bích Huyền thực hiện. Cuối năm 2006, Ông cũng ra mắt một quyển sách "Bông Hồng Tạ Ơn" viết về 192 tác giả nghệ sĩ Việt Nam.
      
Phan Anh Dũng (15/5/2011)


           NS Nguyễn Đình Toàn & Âm Nhạc - Quỳnh Giao
Ngày còn bé, Nguyễn Ðình Toàn không biết đánh đáo.
Ông đánh mạt chược thuộc loại đáo để và ăn nói còn đáo để hơn trên bàn mạt chược, nhưng Quỳnh Giao nghi là ông không biết đánh đáo. Hoặc có lẽ không thèm đánh đáo. Ở tuổi ấu thơ, Nguyễn Ðình Toàn ham mê chuyện khác, để ý đến chuyện khác, chuyện thi ca chẳng hạn, thơ và nhạc.
Người ta có thể kết luận như trên khi đọc tập bút ký của ông viết về 190 tác giả, có tựa đề là “Bông Hồng Tạ Ơn” vừa được ra mắt tại báo quán Người Việt chiều 28 Tháng Mười vừa qua. Quỳnh Giao không viết về ông trước ngày đó như để giới thiệu sinh hoạt này.
               

Nguyễn Ðình Toàn là nghệ sĩ không cần được giới thiệu.
Nguyễn Ðình Toàn có lẽ không đánh đáo với chúng bạn đồng tuổi vì ông mải nhìn mây, nghe nhạc, đọc văn và tìm hiểu về thơ. Không vậy, ông đã chẳng có một ký ức đầy ắp về những nghệ sĩ đã nổi danh từ thập niên 1950. Ông biết về họ rất tường tận, trước khi chính mình bước vào thế giới đó.
Giới yêu văn học thì biết Nguyễn Ðình Toàn qua các tác phẩm văn chương. Ông là một nhà văn nổi tiếng, có độc giả và từng được Giải Thưởng Văn Chương với Áo Mơ Phai, tác phẩm làm ông bị khổ sở không ít sau năm 1975.
Ông còn khổ sở hơn vì không chịu cúi đầu, vẫn cứ ngang ngạnh khi gặp cảnh tù đày.
Sau khi được thả ra, ông còn ngang ngạnh (dùng chữ hiên ngang tất sẽ làm ông khó chịu!) và khi chế độ trong nước thay đổi, xin tái bản lại Áo Mơ Phai, ông vẫn ngang ngạnh: “Các anh muốn làm gì chẳng được, nhưng đã hỏi tôi khi muốn tái bản thì tôi chỉ xin các anh ghi vào lời tựa lý do vì sao đã kết án tác phẩm và bỏ tù tác giả!”
Ðược tái bản sách, nhiều người rất thích và đành nhịn. Nguyễn Ðình Toàn lại có cách từ chối đáo để như vậy thì... ai mà nhịn được!
Giới yêu thơ cũng từng mê thơ Nguyễn Ðình Toàn, đã được đọc lại còn được nghe.
Quỳnh Giao xin nói về chuyện nghe thơ này.
Thời ấy, vào thập niên 1960 trở về sau, các ban tân nhạc trên đài phát thanh đều có xướng ngôn viên của đài hoặc chính các ca sĩ tự giới thiệu lấy trước khi trình bày.
Và người ta không có lời giới thiệu (tiền thân của giới EmXi MC thời nay) để cho tác phẩm một cái mũ, một cái “châpeau” dẫn vào tác phẩm và nghệ sĩ trình bày.Ngoại lệ có tính chất tiên phong là chương trình “Tiếng Nhạc Tâm Tình” của Anh Ngọc, do Mai Thảo viết châpeau dẫn thính giả vào nhạc. Ông có cách hành văn rất tây, với lối dùng chữ mới lạ, dễ “bắt tai” thính giả. Hàng tuần, thính giả chờ đón để được nghe các ca khúc nghệ thuật mà người hát, hòa âm, và cả lời giới thiệu đều trau chuốt bóng bảy. Người đọc những dòng giới thiệu thường là Anh Ngọc, Mai Thảo, đôi khi Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương và cả Quỳnh Giao.
Người không đội mũ nhưng gắn hoa và thổi mây lên từng ca khúc nghệ thuật là Nguyễn Ðình Toàn, với chương trình gọi là “Nhạc chủ đề”.
Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ. Văn phong của ông cổ điển hơn, khác với lối viết của Mai Thảo hay lời nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng là một loại thơ dẫn vào nhạc.
Chương trình ăn khách và thực sự tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ, của Nguyễn Ðình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu “Hỡi em yêu dấu” như chỉ nói với một người. Qua làn sóng điện người nghe thấy ông thầm thì với riêng mình về những cảm xúc do ca Ðáng lẽ, chương trình ấy phải được gọi là “Dẫn em vào nhạc” mới phải, nhưng thời ấy chúng ta chưa dám táo bạo như thế! Qua cách nói... “hỡi em yêu dấu”, rõ là Nguyễn Ðình Toàn chỉ nói với phái đẹp. Vào quãng thời gian ấy, ông còn quá trẻ để gọi thính giả nam phái là “em”!
Mà ông không cao ngạo như Ðinh Hùng khi xưng là “ta” với người đẹp, ông mộc mạc nhũn nhặn xưng là “tôi”.
Thế mới chết... chị Thu Hồng!
Nhớ lại thì nếu Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc gồm những giọng hát thượng thặng của thời đó trình bày, được chính ông chọn lọc và bầy bán giới hạn tại cửa hàng Au Printemps gần thương xá Tax, đã dẫn tới một ngành sinh hoạt mới là các trung tâm thực hiện băng nhạc, thì chương trình Nhạc Chủ Ðề của Nguyễn Ðình Toàn đã là nơi báo hiệu hào quang lên những ca sĩ sau này là tên tuổi lẫy lừng, như Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu...
Phải nói rằng nhiều ca sĩ thường xuyên cộng tác với đài phát thanh hoặc xuất thân từ các gia đình nghệ sĩ thì đã được... “lăng xê” từ trước và họ thực sự là những người chuyên nghiệp vì sự đòi hỏi của các đài phát thanh. Chương trình của Nguyễn Ðình Toàn lại khác.
Ông mời những giọng hát tài tử trong tinh thần “hát cho vui”, hát vì nghệ thuật.
Luật gia Khuất Duy Trác thuộc thành phần ấy và đóng góp rất nhiều cho chương trình này. Một thí dụ khác là kỹ sư địa chất Võ Anh Tuấn - người tham dự việc tìm ra mỏ dầu đầu tiên - được mời hát Dạ Khúc của Nguyễn Mỹ Ca với giọng Nam như Trần Văn Trạch. Theo Quỳnh Giao, bài thành công nhất của Võ Anh Tuấn là Giọt Mưa Thu của Ðặng Thế Phong. Miền Nam không có mưa Thu Hà Nội, Nguyễn Ðình Toàn khơi dậy Mùa Thu ấy trong tâm cảnh của chúng ta ở miền Nam qua cách trình bày của Võ Anh Tuấn.
Không có cái tai thẩm âm, ai lại dám làm điều ngược ngạo ấy vì thời đó và sau này, hát theo giọng Bắc mới được coi là hay!
Cũng qua chương trình Nguyễn Ðình Toàn, mà Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác hay Sĩ Phú, v.v... đã là những tiếng hát vượt không gian. Ra khỏi các sân khấu thành phố mà vang vọng khắp bốn vùng chiến thuật và tạo ra một làn sóng ngưỡng mộ từ đó không nguôi. Ngay cả những ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn cũng đã như cánh vạc bay, và bay mãi, là từ chương trình Nhạc Chủ Ðề, qua tiếng hát Khánh Ly và lời thủ thỉ của Nguyễn Ðình Toàn.
“Những bản tình ca không có hạnh phúc” qua tiếng hát của “nàng góa phụ của cuộc chiến này” là cách Nguyễn Ðình Toàn giới thiệu ca khúc Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.
Có MC nào của đời nay làm chúng ta xúc động như vậy không?
Nguyễn Ðình Toàn là nhà văn, là thi sĩ và ông giới thiệu nhạc bằng cảm nhận của nhà thơ.
Ông cũng là nhạc sĩ đã sáng tác rất nhiều trong những năm về sau nhưng tác phẩm bị trùm lấp trong biến cố 1975. Khi ông ra đến ngoài này, sự thẩm âm của thiên hạ đã thay đổi. Người ta “hát giọng răng” (nói theo lối ví von của Phạm Duy, vì cô ca sĩ có hàm răng khấp khểnh) và giới thiệu ca khúc bằng vũ khúc...
Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Ðình Toàn chưa cho ra mắt một tác phẩm đáng lẽ phải có tên là “Dẫn em vào nhạc Nguyễn Ðình Toàn”, mà lại viết về những người nghệ sĩ ông sợ là chúng ta sẽ quên.
Ông gửi tới họ những bông hồng tạ ơn qua tài năng cố hữu của ông, là dùng thơ dẫn người đọc vào ngôi vườn hoa của người khác.
Khi viết bài này, trong dư âm của một chương trình nhạc chủ đề của Nguyễn Ðình Toàn, (chủ đề cuốn băng là “tình ca”) Quỳnh Giao bồi hồi nghĩ là "áo mơ chưa hề phai" trong tâm khảm ông.
Nguyễn Ðình Toàn chỉ sợ những kỷ niệm cần trân quý của chúng ta bị phai lạt dần... 
Ông tạo ra một không khí tình cảm dịu dàng điệu nghệ để người nghe chuẩn bị đón nhận...
Lời thủ thỉ ấy đẹp như thơ làm thính giả phái nữ thấy lòng mình chùng xuống.
Quỳnh Giao
                            Du Tử Lê viết về Nguyễn Đình Toàn
        Trường hợp Nguyễn Đình Toàn, và, 20 năm văn chương miền Nam  (Phần 1)
                                                     
Hai mươi năm không phải là một thời gian dài cho một nền văn chương. Nhất là khi nền văn chương đó, gần như phải thường xuyên đối đầu, thường xuyên sống, hít thở đầy lồng ngực nó, mùi vị chiến tranh, bom đạn và, những biến động chính trị không ngừng của một xã hội, như xã hội miền nam Việt Nam (sau giai đoạn Đệ Nhất Cộng Hòa.)
Nhưng, cách gì thì các chính quyền ở miền nam Việt Nam, trong hai mươi năm hiện hữu, cũng đã cho những người cầm bút một bầu khí tự do tương đối, đủ để họ thể hiện, đeo đuổi những khuynh hướng văn chương họ muốn.
Tuy nhiên, cũng vì bị cái chết rình rập, đuổi sau lưng, như một lực đẩy vô hình, khiến những người cầm bút ở miền nam thế hệ 1954 tới 1975 đã hối hả tỏa nhánh, chia cành với rất nhiều xu hướng văn chương - - Đôi khi nghịch chiều, khích bác hoặc phủ nhận nhau. Như một thứ phản ứng vô thức của bản năng.
Hiểu như thế, người đọc sau này sẽ không ngạc nhiên khi thấy vào những ngày, tháng  giữa thập niên 1950, nhóm sáng Tạo, cầm đầu bởi cố nhà văn Mai Thảo, đã công khai lên tiếng phủ nhận, xóa bỏ dòng văn chương tiền chiến; mà nhóm Tự Lực Văn Đoàn là đại diện.
Kế đến, một thập niên sau, nhóm Trình Bày với các tạp chí Trình Bày, Đất Nước, Nghiên Cứu Văn Học, cầm đầu bởi cố nhà văn Thế Nguyên, lại công khai lên tiếng khích bác, bài xích nhóm Sáng Tạo. Thế Nguyên quy kết Sáng Tạo, chủ trương, cổ súy cho dòng văn chương mà ông gọi là dòng “văn chương viễn mơ.” Đó là thời điểm nhóm Trình Bày cho rằng trong hoàn cảnh chiến tranh vật vã đau thương như vậy, văn chương phải phản ảnh thực trạng đất nước.
Với Thế Nguyên, trong giai đoạn miền Nam bị tràn ngập bởi quân ngoại nhập - - Cầm đầu bởi người Mỹ thì, văn chương không thể dửng dưng, đứng ngoài thời cuộc. Ông cổ súy nền văn chương hiện thực mà, ông gọi là dòng “văn chương dấn thân.” Nói theo thuật ngữ thời ấy, là dòng văn chương “phản chiến.”
Hai sự kiện vừa kể trên, theo tôi, chỉ là phần nổi của những tảng băng văn học, nghệ thuật miền Nam mà thôi.
Chìm dưới đáy sâu, nhờ có được khoảng không gian tự do tương đối (như đã nói,) sinh hoạt văn học của miền Nam, thực tế, chẳng những có, mà còn có rất nhiều xu hướng văn chương khác.
Từ những tác giả trung thành với dòng văn chương tiền chiến, hiểu theo nghĩa nghiêng hẳn về khuynh hướng xã hội: Tiếp tục con đường lấy cốt truyện và, nỗ lực phân tích tâm lý nhân vật làm xương sống cho sáng tác của mình - - Tới những nhà văn chạy theo trào lưu văn chương hiện sinh, vốn được ưa chuộng ở miền Nam, những năm (19)50, (19)60, do nhóm Sáng Tạo khơi mào - - Qua những bài viết của giáo sư Nguyễn văn Trung (bút hiệu Hoàng Thái Linh).  Và, những tác phẩm mà họ Nguyễn in thành sách cho sinh viên của ông, thời ông dạy đại học Văn Khoa, Saigon; như “Nhận định” 1, 2, hoặc “Ca tụng thân xác,” v.v… 
Tuy nhiên, tùy theo mức độ thẩm thấu triết lý Hiện Sinh của triết gia kiêm nhà văn Jean Paul Sartre mà, một số nhà văn miền Nam thời đó, đã phản ảnh sự tiêu hóa của họ qua sáng tác. Thậm chí, một số tác giả còn đơn giản, hay thô thiển hóa triết lý Hiện Sinh của Jean Paul Sartre vào phạm trù dục tính. Như thể, đó mới chính là cốt lõi của triết lý hay, phong trào văn chương này. (1)
Cũng ở thập niên đầu của hai mươi năm văn học miền Nam, có nhà văn còn lầm lẫn giữa triết lý hiện sinh, với quan niệm con người là một con vật bị ngộ nhận, cùng lúc bị nhận chìm bởi những phi lý tàn khốc của kiếp người. (Quan điểm này được nhà văn Albert Camus xiển dương trong nhiều tác phẩm của ông.) (2)
Những nhà văn nhầm lẫn giữa hai khuynh hướng triết lý, vì tưởng lầm là một kia, đã đẩy nhân vật của họ tới những cái chết đầy kịch tính. Thí dụ, một nhân vật trong truyện, giữa lúc sắp (chứ chưa) đạt được tình yêu (mà y đinh ninh không thể tới được) đã quay ra tự sát!?! Hay một nhà văn khác, cho nhân vật của mình tự kết liễu cuộc đời ngay sau khi biết mình trúng số…độc đắc.                    
Cũng vậy, bên cạnh những nhà văn (đa phần ở lớp trưởng thành sau thập niên (19)60, chấp nhận con đường binh lửa, vì nhu cầu bảo vệ miền Nam, đương đầu và chống cự lại những nỗ lực xâm lăng miền Nam của quân đội miền Bắc, đã thể hiện tâm trạng chênh vênh của họ giữa hai bờ vực sống / chết một cách mặc nhiên, không ta thán, rất nhân bản…Thì cũng có những nhà văn chủ trương lên án hay, khạc nhổ vào chiến tranh, như một chứng tỏ…kín đáo tính cách trí thức tiến bộ của họ!
Vì miền Nam trong chiến tranh, nên hầu hết các nhà văn đều bị chi phố bởi luật động viên ở miền Nam. Những nhà văn bị động viên này, dù ở hàng ngũ sĩ quan, hay binh sĩ, lại chia thành hai loại. Loại thứ nhất, chọn tiến thân bằng những sáng tác tố cộng hay chống cộng một cách dứt khoát, mạnh mẽ. Họ được dư luận gọi là lớp “nhà văn quân đội.” Loại thứ hai, là những nhà văn vẫn tuân thủ luật lệ quốc gia, nhưng khi trở về với mình, đối diện với trang giấy, họ vẫn giữ tư cách độc lập của một nhà văn. Hiểu theo nghĩa họ trung thành với rung động, những thao thức, những vấn nạn riêng về văn chương và đời sống…
Dĩ nhiên, lớp nhà văn được gọi là “nhà văn quân đội” không khỏi thấy “ngứa mắt” trước lớp nhà văn dân sự, phục vụ trong quân đội.
Cũng trong 20 năm văn chương miền Nam, một khuynh hướng văn chương khác nữa, nở rộ, được đón nhận nồng nhiệt; có phần rôm rả hơn tất cả những khuynh hướng văn chương vừa kể; là khuynh hướng văn chương được gọi là nền “văn chương mực tím.”
Sáng  tác của những cây bút này, chủ yếu nhắm vào tuổi học trò. Lứa tuổi “bản lề” giữa niên thiếu và sắp trưởng thành. Tới nay, chưa ai bỏ công nghiên cứu để biết:
-Có phải xu hướng văn chương trong sân trường, giữa lớp học đã đưa tới sự thành hình của không biết bao nhiêu các thi văn đoàn hay, ngược lại?
Đây là loại văn chương không đòi hỏi một nỗ lực sáng tạo nào, từ hình thức tới nội dung; ngoài tính đơn giản, dễ hiểu. Vì thế, loại văn chương ấy, không chỉ  thỏa mãn cảm quan của giới học sinh mà, còn đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của lớp độc giả trưởng thành, dễ tính nữa.  
Sự kiện này, hiển nhiên nâng số lượng thơ, văn, sách báo trong vòng phấn “văn chương mực tím” của miền Nam, tới con số khá lớn. Nếu không muốn nói là đứng đầu mọi xu hướng.
Bên cạnh đó, những người quan tâm tới sinh hoạt văn học, nghệ thuật đô thị, cũng ghi nhận được một cơn bão trong…tách trà của một số nhà văn sống tại Saigon.
Đầu thập niên (19)70, số nhà văn đô thị này, đã rất tâm đắc bàn bạc về cái gọi là phong trào “Tiểu thuyết mới” - - Như một lối thoát, một thứ ánh sáng cuối đường hầm, hay một phép thanh tẩy có khả năng “cứu rỗi” những bế tắc văn chương cho họ. Mặc dù, khi những nhà văn kia háo hức trước phát hiện cái gọi là “tiểu thuyết mới” thì, tại nguyên quán, nơi phong trào “tiểu thuyết mới” được sinh ra, lại đang trên đường tàn lụi. 
Theo tài liệu thì, phong trào “Tiểu thuyết mới” được đẩy lên tới đỉnh cao từ những năm cuối  thập niên (19)40, song song với phong trào kịch mà nhân vật không còn là chính diện hay tâm điểm, do các kịch tác gia Adamov, Beckett, Ionessco phát động.
Cầm đầu phong trào “Tiểu thuyết mới” ở giai đoạn khởi đầu này, là nhà văn Alain Robbe Grillet. Ông quy tụ một số bằng hữu viết văn quanh nhà xuất bản “Nửa Đêm / Édition de Minuit,” ở Paris

Theo nhà phê bình văn học Pháp, Carl Gustaf Bjurstrom, trong tác phẩm “Văn Học Thế Giới Hiện Đại / Les Littératures Contemporaines À Travers Le Monde,” bản dịch của Bửu Ý (3) thì nhóm này chủ trương xóa bỏ loại tiểu thuyết từ hồi nào giờ, vẫn ôm chặt lấy nghệ thuật phân tích tâm lý, như thể đó là chuẩn mực cao nhất và, bất biến của văn chương. Trong khi theo họ (những người chủ trương “Tiểu thuyết mới”) thì nó lại là những ước lệ, giả tạo, dối trá, hợm hĩnh của cái “ta” trong vai trò thượng đế, ban phước, giáng họa cho tất tật mọi nhân vật. Những nhà văn cổ súy phong trào “Tiểu thuyết mới” đòi hỏi nhà văn phải trở lại với những khách quan của một người quan sát, phải luôn tự giác trước thực tế đời sống, ngoại cảnh.  Mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, nhà văn Ollir, một thành viên khác trong nhóm, qua tiểu thuyết “Đạo diễn” đã cho thấy “sự hiện diện của đồ vật là trên hết.”
Vẫn theo tác giả Carl Gustaf Bjurstrom thì:
“Khuynh hướng này không hoàn toàn mới mẻ. Năm 1925 Gide đã viết ‘Bọn làm bạc giả’ đi ngược lại với mọi là luật truyền thống của truyện kể. Cuốn ‘Ulysse’ của James Joyce muốn ghi lại những cảm tưởng nguyên hình trạng. Và trong trường phái ‘tiểu thuyết mới,’ Nathalie Sarraute, với những bài đầu tiên viết trước thế chiến, thật ra đã nối kết ảnh hưởng của Joyce với tân trường phái.  Tiểu luận ‘Kỷ nguyên ngờ vực’, giống như ‘Kỷ yếu về sự phân hóa’ của Cioran và ‘Mục lục’ của Michel Butor báo hiệu trước bước đường cùng của tiểu thuyết tâm lý (……) Như thế, là ‘tiểu thuyết mới’ biến cải một cách thiết yếu cái ‘điểm quan sát’ của tiểu thuyết gia. Không còn là kẻ kể chuyện đã biết hồi kết cuộc nên chi ‘sắp xếp’ và diễn theo lối kế thúc đó. Nó chỉ là chứng nhân ghi nhận những hiện diện, những xúc cảm …” (4)   
Một trong số ít nà văn Saigon, cuối thập niên (19)60, đầu thập (19)70 tỏ ra rất hưng phấn với phong trào này, là Nguyễn Đình Toàn. Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam. Tuy nhiên, những người biết ông qua chương trình phát thanh “Nhạc chủ đề” (trên đài Saigon, cùng với nhạc sĩ Vũ Thành An), lại nhiều hơn, những người biết ông qua văn chương.
         Ưu điểm nào thấy được trong văn chương Nguyễn Đình Toàn? (Phần 2)
                                  
Nguyễn Đình Toàn bước vào nghiệp văn rất sớm. Từ những ngày ông còn ở Hà Nội, với bút hiệu Tô Hà Vân. (5)
Di cư vào miền Nam, năm 1954, ông trở thành biên tập viên đài phát thanh Quốc Gia. (Mọi người quen gọi là đài phát thanh Saigon, để phân biệt với đài Quân Đội.)
Không biết có phải vì lý do công việc, hay để đánh dấu một giai đoạn khác của sự nghiệp văn chương, họ Nguyễn đã từ bỏ bút hiệu kể trên, để dùng tên thật của mình, như bút hiệu.
Những năm đầu ở miền Nam, ngoài công việc thường lệ của một biên tập viên phát thanh, Nguyễn Đình Toàn còn cùng ký giả Phan Lạc Phúc, chủ trương một chương trình văn học, nghệ thuật cho đài Saigon. Nhưng, như đã nói, ông được quần chúng biết tới nhiều hơn cả, khi ông cùng nhạc sĩ Vũ Thành An thực hiện chương trình “Nhạc chủ đề.”
Với những giới thiệu hay dẫn nhập bằng cách viết (cách nói) riêng của mình; nhất là qua giọng nói, như một thủ thỉ tư riêng giữa hai người, qua làn sóng điện, họ Nguyễn trở thành một thứ “người tình không chân dung” của rất nhiều nữ thính giả. Đồng thời, ông cũng là “người bạn thiết” của rất nhiều thính giả thuộc nam giới. Với lớp thính giả này, ông như người đã nói thay họ những điều họ muốn nói về tình yêu, âm nhạc, thời thế. Kể cả những điều họ không có trong đầu, trước khi nghe chương trình của ông.
Đây cũng là thời gian xuất hiện của hai tình khúc, như hao cơn bão nhỏ, lay động giới trẻ miền Nam: Ca khúc “Tình khúc thứ nhất” , Em đến thăm anh đêm ba mươi.” nhạc Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn, ra đời.
Vẫn với “cách nói khác,” cách nói luôn mở ra những chân trời mới lạ, ảnh hưởng từ những nhân sinh quan tây phương, như:
Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say”
(Trích “Tình khúc thứ nhất”)
Hoặc:
Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em
Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm…”
(Trích “Em đến thăm anh đêm ba mươi”)
Ở thời điểm cuối thập niên (19)50, đầu thập niên (19)60 thì đó là cách nói cực kỳ mới mẻ. Người ta không thể tìm thấy ý niệm “niềm vui trong thiên tai,” “yêu nhau như thời gian làm giông bão,” hay vật chứng cho một tình yêu là “chiếc lá vàng” xin từ “người phu quét đường”… trong bất cứ một ca từ nào của nên tân nhạc Việt Nam, kể từ tiền chiến.
Một trong những đỉnh cao lãng mạn của nhạc tiền chiến là ca từ của Từ Linh, viết cho những ca khúc của Đoàn Chuẩn. Nhìn lại, ta thấy, dù sao thì những ca từ này cũng vẫn là những hình ảnh tượng trưng, sáo mòn. Như:
“Nhớ tới mùa thu năm nào mình anh lênh đênh rừng cùng sông
Chiếc lá thu dần vàng theo
Nhớ tới ngày nào cùng bước đến cầu / ngồi xõa tóc thề
Còn đâu ân ái chăng người xưa?”

(Trích “Lá thư” của Đoàn Chuẩn – Từ Linh)
Hoặc:
“Mộng nữa cũng là không
Ta quen nhau mùa thu
Tta thương nhau mùa đông
Ta yêu nhau mùa xuân
Để rồi tàn theo mùa xuân
Nngười về lặng lẽ sao đành…”
(Trích “Tà áo xanh” của Đoàn Chuẩn – Từ Linh).
Người nghe có thể thấy mình thấp thoáng đâu đó, trong những ca từ vừa kể. Nhưng tuyệt nhiên, chúng không đem lại cho người nghe, những hình ảnh bất ngờ từ thị giác. Cái ngỡ ngàng, hạnh phúc của xúc giác mà ca từ của Nguyễn Đình Toàn (qua nhạc Vũ Thành An), đã đem lại cho họ.
Thời điểm này, ở lãnh vực văn chương, cũng là thời điểm văn giới, độc giả chào đón hai tác phẩm đầu tay của Nguyễn Đình Toàn. Đó là “Mật đắng,” thơ và; “Chị em Hải,” văn xuôi. Ông được dư luận ghi nhận là một trong vài trường hợp thành công sớm. Rất sớm.
Nguyễn Đình Toàn kể, trong một buổi họp đầu thập niên (19)60 ở nhà xuất bản Cơ Sở Xuất Bản Tự Do, đường Võ Tánh, Saigon, cũ, cùng với nhà văn Thảo Trưởng, ông được mời tham dự, cùng nhiều nhân vật thuộc hàng “lão làng” thời đó.
Một trong những nhân vật “lão làng” này là nhà văn Hiếu Chân (tức Nguyễn Hoạt). Ông hỏi một nhân vật “lão làng” ngồi cạnh:
“Hai thằng nhóc nào vậy?”
Ông này đáp:
“Đó là tác giả “Chị em Hải” và “Thử lửa.”
Tác giả “Tỵ Bái” thản nhiên bảo:
“Mang cho chúng nó hai ly sữa!”
Tôi không biết khi nói vậy, cố nhà văn Hiếu Chân / Nguyễn Hoạt có ý đùa hay thật? Nhắc lại chuyện này, tôi chỉ muốn nói, mặc dù với hai tác phẩm gây được tiếng vang đáng kể ở cả hai lãnh vực thơ cũng như văn, nhưng trong suốt thời gian tạp chí Sáng Tạo hiện diện từ 1956 tới ngày đình bản hẳn, họ Nguyễn không đóng góp một sáng tác nào cho tạp chí ấy. Do đó, ông lại càng không phải mà một trong những thành viên nòng cốt của Sáng Tạo, như một bài viết đã được đưa lên mạng!
Tôi nghĩ, người thứ nhất gắn nhãn “thành viên tạp chí Sáng Tạo” cho nhà văn Nguyễn Đình Toàn, có thể là người không hề tham dự trong sinh hoạt văn chương miền Nam, 20 năm, và cũng không bỏ công tra cứu trước khi viết. Khiến sau đó, một số người trẻ khác, lập lại nhiều lần, lầm lẫn này!
Nếu cần đi tìm phần đóng góp của họ Nguyễn ở lãnh vực báo chí, thì đó là sự tiếp tay đáng kể của ông cho tạp chí Văn (thời nhà văn Trần Phong Giao làm Thư ký tòa soạn.) Ở giai đoạn này, Nguyễn Đình Toàn không chỉ đóng góp bài vở mà, ông còn ở trong ban tuyển chọn sáng tác thơ cũng như văn cho tạp chí Văn nữa.
Trở lại với thi phẩm “Mật đắng,” họ Nguyễn cũng cho thấy ông nỗ lực đi tìm một “cách nói khác” cho thi ca của mình. Nhưng, với “Chị em Hải” thì không. Có thể vì nội dung “Chị em Hải” là một truyện vui. Nó có cùng dạng, tính với tác phẩm “Gia đình tôi” của Duy Lam.
Phải đợi tới khi truyện dài “Con đường,” rồi những tác phẩm kế tiếp, như “Ngày tháng,” “Giờ ra chơi,”Áo mơ phai” v.v… xuất bản, lúc đó, cõi-giới văn xuôi Nguyễn Đình Toàn mới thực sự định hình.
Tuy là người từng tỏ ra rất hưng phấn với phong trào “Tiểu thuyết mới” phát xuất từ Paris vào những năm đầu thập niên (19)40, nhưng khi sáng tác, họ Nguyễn không nhiệt tình ứng dụng những lý thuyết văn chương mà, phong trào này đề xướng. Ông vẫn xây dựng tác phẩm của mình trên những cảm nhận, kinh nghiệm riêng.
Tôi muốn nói, ông vẫn trung thành với quan niệm đi tìm một cách nói / cách viết khác” cho văn chương ông.
“Cách nói khác” đó là gì?        
Bằng vào ghi nhận của của tôi thì, trước nhất, họ Nguyễn không quá bận tâm vào cốt truyện. Người đọc sẽ rất khó tìm thấy những nút thắt, nút mở, hay những cao trào trong diễn biến truyện. Kế tới, người đọc cũng không thấy trong truyện của ông, những chủ tâm phân tích tâm lý, như những “chân lý” dẫn đường, hay “xương sống” của tác phẩm. 
Nét đặc thù trong truyện Nguyễn Đình Toàn là những mới mẻ lấp lánh ở phần mô tả nhân vật, cảnh tượng. Bản chất thông minh, đôi khi tới cay nghiệt (với nhân vật của mình), họ Nguyễn đã mặc nhiên khai thác ưu điểm đó, để nhập vai những chiếc cầu mà, thuật ngữ văn học gọi là liên tưởng, ẩn dụ (metaphor), hoán dụ hay hoán ngữ (metonymy)…
Nếu cần phải diễn tả một cách nào khác thì, theo tôi, chúng chính là tấm gương phản chiếu chân dung tài năng, con người của ông vậy.
Sau đây là một trích đoạn từ truyện ngắn “Đêm lãng quên,” của Nguyễn Đình Toàn, khi ông mô tả cùng lúc người và, sự việc chung quanh.(6)
“Trong cái bóng đêm đen kịt của một cơn giông nín nghẹn, trận mưa đã không thể nào đổ xuống, đứa con gái hiện lên giữa khung cửa như một khói đen đặc, một mùi vị khác lạ, cái mùi vị chỉ những kẻ sống bao năm một mình như ta, mới có thể nhận biết ngay.
Con nhỏ đứng sững lại giữa khung cửa, có lẽ mắt chưa quen với bóng tối, nó la, sao tối thui vậy ông nội. Vậy ta phải thắp đèn lên để đón mày sao.
“Đứa nào đó? Tôi đây mà. Tôi có cây đèn đây. Ông nội có lửa cho con xin chút.
“Nó đứng thẳng giữa cửa, một tay giơ cây đèn lên cao. Từ trong nhìn ra, bóng của đứa con gái cắt lên cái nền đen đục của khung cửa như một bức tượng nặng, tóc xõa trên tấm áo trắng ngắn, mầu quần đen lăn với bóng tối. Cái bóng nặng chặn ngang những cơn gió nồng nực thổi tới làm cho hơi thở ta trở nên khó khăn hơn, có một chút gì đó đã tẩm lẫn vào không khí, cái không khí lạnh nhạt ta thở hít mỗi ngày, làm cho nó trở nên cay se, mùi phấn, mùi nước hoa rẻ tiền. Một thứ mùi vị đã xa cách hẳn ta, như một tấm áo cũ lâu ngày mới được giở ra, hương vị đã phai nhạt đó lại trở nên gay gắt…
Chỉ là một trích đoạn rất ngắn so với toàn thể truyện mà, người đọc đã thấy khó biện biệt đâu là “chính diện?” Ông già? Đứa con gái xin lửa? Bóng tối? Mùi vị? (Hay mùi vị của mọi thành phần vừa kể?)
Hoặc:
Anh nhớ em trong lúc trở lại phòng. Mọi con đường trong bệnh viện đã tối đen, ánh trăng nhợt nhạt rãi trên cây cối, các đám cỏ. Tiếng người ho, kêu la, rên rỉ trong các dãy nhà thắp những bóng đèn vàng, mùi hôi ẩm, mùi của cái chết, của những vết thương tấy sưng, của những cuộn băng đầy máu mủ, của những thứ thuốc sát trùng, formol, đờm rãi, cống rãnh, chuột bọ, những giường nệm cáu ghét, loang lổ, bao nhiêu người đã nằm, đã chết, bao nhiêu người còn sống?” (Trích “Đám cháy,” Văn Uyển XB, Saigon, 1971).
Hoặc nữa:
“Những khu phố dịu dàng dưới sương đêm, sáng cái ánh sáng của vầng trăng lúc nào cũng giống như, trăng khi còn thơ ấu, và những cơn gió nhẹ thổi trên các lối đi, thổi lên các cành cây, chẳng khác những hơi thở nồng nàn tình ái, người ta không thể biết rõ cái vẻ dịu dàng của Hà Nội được tẩm đẫm nhan sắc, dáng vẻ của những người đàn bà, những cô gái Hà Nội, hay chính những người này thừa hưởng cái không khí êm đềm đó, những trận gió mang đầy hơi phù sa của sông Hồng, mùi cỏ của con đê Yên Phụ, mùi rượu ngang, rêu phong của những mái nhà cũ kỹ, của những bức tường thành của ngày Hà Nội bị xâm chiếm xa xưa, của các xưởng máy, của hoa đào, hoa sấu, sắc đỏ của những bông gạo vừa tàn rụng hết trong ngày hè với muôn ngàn tiếng chim kêu hót…” (Trích “Áo mơ phai,” (Nguyễn Đình Vượng, XB. Saigon, 1972.)
Cũng vẫn là sự trộn lẫn giữa giữa người và sự vật. Giữa tình yêu, lòng nhớ nhung và cái chết và kỷ niệm. Cũng vẫn là mùi vị của tất cả những thành phần làm thành đoạn văn. Câu hỏi lại được nêu lên:
-Nhưng đâu là “chính diện?” 
Tôi không biết. Tôi nghĩ có thể là tất cả. Tất cả đã quyện, quyến vào nhau thành một khối. Một khối trong một thời tiết. Một không khí. Không-khí-truyện-Nguyễn Đình-Toàn.
Lại nữa, với tôi, ở lãnh vực đối thoại, (điển hình đối thoại trong truyện dài “Giờ ra chơi” (7), họ Nguyễn cũng cho thấy bản chất thông minh (đôi khi tới cay nghiệt) của ông, cũng đã mặc nhiên làm thành tấm gương phản chiếu chân dung tài năng hay, nét đặc thù Nguyễn Đình Toàn. Dù cho những đối thoại ấy (giống như đa số đối thoại của các nhà văn khác), không xứng hợp với tâm thái nhân vật. (Chúng là tiếng nói của chính tác giả, trong văn chương.) Nhưng, với cõi giới văn xuôi họ Nguyễn, tôi chưa thấy một ai cất tiếng hỏi. Họ không chỉ chấp nhận mà, dường như còn hân hoan đón, hưởng.
Từ đấy, tôi muốn ví những nét đặc thù kể trên của họ Nguyễn, là những “Máy Định Vị / GPS,” giúp người đọc tìm được một cách chính xác ngôi nhà văn chương Nguyễn Đình Toàn - - Một địa chỉ đẹp của hai mươi năm văn học miền Nam. 

Du Tử Lê (Mar. 30-2011).
Chú thích:
(1): Jean Paul Sartre, triết gia, nhà văn Pháp (1905-1980), được trao giải Nobel Văn Chương năm 1964. Nhưng ông đã từ chối.   
(2) Albert Camus, nhà văn Pháp, Giải thưởng Nobel Văn Chương 1957.  Ông sinh năm 1913, mất năm 1960.
(3): “Văn học thế giới hiện đại” bản dịch từ Pháp ngữ của dịch giả Bửu Ý. Nhà Xuân Thu Hoa Kỳ, in lại tại Mỹ theo bản in ở Việt Nam. Nhưng, không ghi ngày tháng và, cũng không ghi tên nhà xuất đầu tiên. Người đọc cũng không tìm thấy một dấu chỉ nào để từ đó có thể suy ra ngày nguyên bản được phát hành; cũng như ngày bản dịch được hoàn tất!     
(4) Sđd, các trang 62, 63 và, 64.   
(5): Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6 tháng 9 năm 1936 tại Hà Nội. Ông là cựu học sinh Chu Văn An, đã xuất bản trên 20 tác phẩm. Cuối thập niên (19)90 ông cùng gia đình  định cư tại Hoa Kỳ.  Tại đây, ông cho phát hành một số đĩa nhạc, gồm những ca khúc do ông sáng tác, Khánh Ly trình bày. Nguyễn Đình Toàn hiện cư ngụ tại miền nam California.
(6) Tập truyện “Đêm lãng quên,” do Văn Uyển, XB. Saigon, 1970.  
(7) Truyện dài “Giờ ra chơi,” do Khai Phóng XB. Saigon, 1970.   
 Nhớ những lần, nghe nhạc, đọc thơ, đọc truyện của Nguyễn Đình Toàn - Trần Yên Hòa
           
Năm 1966, tôi đang học đại học ở Sài Gòn thì cha tôi ở quê viết thư vào bảo: “Quê mình mất an ninh rồi, cha mẹ phải bỏ quê mà tản cư xuống quận lỵ tỵ nạn. Trong một đêm, địch về làng bắn giết, đốt phá nhà cửa của cán bộ làm việc bên phe quốc gia nhiều lắm, cha mẹ sợ quá nên phải tản cư xuống quận lỵ tạm trú, chứ ở quê không yên. Con cố gắng tự túc đi học nghe con.”  Tôi đọc thư mà nghe buồn bã quá. Tìm đọc trên mục rao vặt trên các báo Chính Luận, Công Luận, tôi  đi dạy kèm, đi giặt đồ cho một công ty thầu giặt đồ cho lính Mỹ, mà lương lậu chẳng đâu vào đâu. Tôi học không vô nữa, bèn nộp đơn xin đi dạy theo một thông cáo tuyển lựa giáo sư tư nhân dạy giờ của Bộ Giáo Dục. Sau đó mấy tháng, tôi được giấy của bộ Giáo Dục bổ nhiệm về dạy ở trường trung học Mộ Đức, Quảng Ngãi.
Với nỗi buồn vui lẫn lộn. Buồn vì phải bỏ giảng đường đại học mới tập tểnh bước vào mấy năm. Vui vì mình sắp bước vào con đường mới, con đường dạy học. Đó cũng là mộng ước của tôi thời niên thiếu. Với lại, Quảng Ngãi tôi chưa biết đến bao giờ. Và cả Mộ Đức, một quận lỵ, vẫn nghe đồn rằng, đó là vùng xôi đậu, ban ngày quốc gia, ban đêm “giải phóng”. Nhưng tôi lại nghĩ, mình chỉ là thầy giáo quèn, gỏ đầu trẻ, có gì đâu mà sợ, nên tôi cũng vững tâm đến đó.
Mộ Đức là một quận lỵ buồn, không có phố xá, chỉ có con đường quốc lộ một chạy qua. Bộ chỉ huy chi khu và văn phòng quận hành chánh đóng chung bên kia đường, đối diện trường trung học, do một trung úy bộ binh làm quận trưởng kiêm luôn chi khu trưởng.
Tôi đã dạy học ở đó với những em học sinh tóc cháy vàng vì nắng gió và nhờ đó mà tôi vui.
Những buổi chiều quận lỵ thật buồn. Chênh chếch phía bên kia đường có một loa phóng thanh của chi thông tin bắt trên ngọn cây, hàng ngày thường mở đài Sài Gòn hay đài Quảng Ngãi cho dân chúng nghe tin tức. Một buổi chiều, cũng như mọi buổi chiều khác, tôi được nghe từ loa phóng thanh, một bài hát có tên Tình Khúc Thứ Nhất được xướng ngôn viên giới thiệu tác giả là Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn, bản nhạc này, nhạc đã hay mà lời cũng quá hay:
Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy

Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say

Lá thốt lên lời cây
Gió lú đưa đường mây
Có yêu nhau xin ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời

Tình vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời
Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền
Dù trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đến

Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế   
 Lúc này, Vũ Thành An và Nguyễn Đình Toàn chứa nổi, tác giả chỉ là cái tên, nhưng  bản nhạc quá hay nên có tôi cảm tình với tác giả ngay, nhất là tác giả viết lời. Lúc đó, tôi cứ nghĩ Vũ Thành An đã phổ từ một bài thơ nào đó của Nguyễn Đình Toàn. Nhưng sau này, khi tôi đọc trên một tờ báo nào đó, mới biết là nhạc phẩm này của Vũ Thành An, Nguyễn Đình Toàn  viết lời. Chúng ta hãy đọc lại mấy câu, ông dùng ngôn ngữ rất lạ mà rất thơ: 
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy...
Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Bản nhạc này, tôi nghe (sau đó được nghe lại mấy lần) và tự nhiên thuộc lời, rồi tôi đã đem lời nhạc này đọc cho học sinh trong lớp tôi dạy (vì tôi dạy môn Việt văn nên tôi tha hồ mà bình luận, bốc phét, thêm nhưn nhị vào bài thơ, những ý tưởng mà có lẽ tác giả cũng không nghĩ ra. Có thể nhờ bản nhạc này mà tôi có một (vài) mối tình rất thơ với (một, hai) cô gái Mộ Đức, một cô gái có tên là Nề, mà sau này tôi có viết trong một truyện ngắn, truyện Nề xưa. Bây giờ tất cả đã xa lắc lơ, chỉ còn là kỷ niệm. Cám ơn nhà thơ Nguyễn Đình Toàn.

*

Sau này, cũng thời gian năm 66 hay 67 gì đó, tôi có đọc một bài thơ của Nguyễn Đình Toàn ở đâu đó, và rất mê. Nhưng lâu rồi cũng quên nhan đề, sau khi tìm kiếm, lục lọi, mới biết đó là bài Khi Em Về. Tôi xin ghi lại như sau:
Khi em vềQuê mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm
Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
Đi qua dần khi nước mắt buông theo

Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi hoa ngâu
Rồi Tết đến, rồi lòng anh nhớ quá

Khi em về bước chân chừng xa lạ
Và cỏ hoa tất cả đã lắng im
Giấc ngủ ấy một đời anh ao ước
Từ máu mình hoài rứt khỏi đường tim

Em đừng khóc, đừng buồn, đừng nhìn nữa
Cứ cúi đầu cứ thế rồi ra đi
Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết
Và dấu giầy mai sẽ lá sương che

Nguyễn Đình Toàn còn có bài thơ Khúc Ca Phạm Thái cũng rất nổi tiếng. Bài thơ ghi lại hình ảnh chàng tráng sĩ Phạm Thái yêu Trương Quỳnh Như, em ruột của người bạn thân là Trương Quang Ngọc, mối tình đó đã trở thành tình sử trong văn học Việt Nam mà Khái Hưng đã viết thành tiểu thuyết Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Bài thơ với ngôn ngữ mang mang hào sảng, nói lên chí khí của người tráng sĩ mang gươm đi cứu nước, nhưng thất bại, phải dẹp bỏ cuộc tình riêng, giọng thơ hào khí ngất trời. (hơi thơ giống bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác). Cho nên trong những cuộc vui chơi với bằng hữu, những người thích thơ, biết làm thơ hay cảm thơ, mỗi khi ngồi uống rượu với nhau thường ngâm bài thơ này:

Ta tráng sĩ hề, lòng không mềm bằng kiếm,
Ta anh hùng hề, sự nghiệp có đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như.
Chí nhỏ lòng kiêu, đổ thưà vận rủi,
Tài sơ sức mỏi, trách với thời cơ .
Lòng chua cay uống mãi rượu giang hồ,
Nâng chén lửa đốt tàn dần năm tháng.
...
Em ơi tám hướng sông hồ,
Mười năm ngang dọc, bây giờ là đây ..
Sự đời chừ đã trắng tay,
Ngủ vùi một giấc, cho đầy gối tham .
Ta say hay ta tỉnh?
Nàng buồn hay nàng vui?
Ngọc châu pha vỡ tiếng cười ,
Lược gương xin chải ngậm ngùi cho nhau
.
Và Bản Nhạc viết về Sài Gòn
Từ lâu, nghĩa là từ trước năm bảy lăm, tôi nghĩ là Nguyễn Đình Toàn chỉ làm thơ và viết văn thôi, nếu cùng lắm thì ông đặt lời cho nhạc như bài Tình Khúc Thứ Nhất. Nhưng sau này tôi biết ông còn sáng tác nhạc, ông viết rất nhiều ca khúc. Trong những ca khúc của ông tôi thích đâu 3, 4 bài, như bài Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên, mà nhiều người biết đến, sau đây:
"Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên - như dòng sông nước quẩn quanh buồn - như người đi cách mặt xa lòng ta hỏi thầm em có nhớ không...
Sài Gòn ơi, đến những ngày ôi thành phố xôn xao - trong niềm vui tiếng hỏi câu chào - sáng đời tươi thắm vạn sắc màu - còn gì đâu..."
Theo tôi, bản nhạc này là bản nhạc hay nhất của nhạc Việt Nam viết về Sài Gòn sau khi mất nước và lúc Sài Gòn đã thay đổi tên. Bản đứng thứ nhì đồng hạn là bài Sài Gòn của Trầm Tử Thiêng và bài Đêm Nhớ trăng Sài Gòn nhạc: Phạm Đình Chương; thơ: Du Tử Lê. Sau rót mới đến bản Sài Gòn Vĩnh Biệt của Nam Lộc. Bản nhạc Sài Gòn Vĩnh Biệt được mọi người biết đến nhiều có lẽ nhạc phẩm này ra đời sớm, khoảng đâu sau bảy lăm một hai năm, trong lúc đó, lòng người Việt Nam, nhất là những người di tản từ ba mươi tháng tư bảy lăm, luôn luôn khắc khoải trong lòng nổi nhớ quê hương, mà Sài Gòn là biểu tượng một quê hương trong lòng mọi người, nên mất đi Sài Gòn, rời xa Sài Gòn, ai cũng tưởng tiếc, cũng nhớ về. Kể cả những người đi ở tù cộng sản như chúng tôi, khi nghe bản Vĩnh Biệt Sài Gòn (được đưa chui vào trại tù), chúng tôi nghe cũng thật bùi ngùi, cảm động (lúc đó tôi ở Long Khánh, có tin truyền miệng nhạc phẩm Vĩnh Biệt Sài Gòn là của một sĩ quan sư đoàn 5 bộ binh sáng tác). Đến khi qua Mỹ, tôi mới biết tác giả là Nam Lộc, và theo tôi đánh giá về nghệ thuật, bản nhạc này lời rất giản dị, bình thường, ca từ không có gì mới lạ, có nhiều câu, suy cho kỹ thì phản ý của người di tản hay người vượt biên, ví dụ như câu bây giờ tôi như con thú hoang lạc đàn, sao lại là con thú hoang? Nếu nói về đất nước Việt Nam Cộng Hòa trước bảy lăm và những người sống trong đất nước đó là đàn thú hoang sao? Lời nhạc rất phản ý của người Việt tỵ nạn cộng sản. Và sau đó có những câu như Sài Gòn ơi ta xin hứa là ta sẽ về? Sao đã vĩnh biệt rồi, như theo đề tựa, vĩnh biệt là không bao giờ gặp lại, mà sao hứa sẽ trở về? Cho nên, bản nhạc này được nhiều người nghe là do tâm trạng thương nhớ Sài Gòn có sẳn trong lòng, chứ không phải là bản nhạc hay.
*

Nguyễn Đình Toàn sáng tác nhạc rất nhiều, sau khi ra hải ngoại ông đã cho ra mắt 2 CD, đó là: Hiên Cúc Vàng với chỉ một giọng ca Khánh Ly, và Tình Ca Việt Nam với Duy Trác, Khánh Ly, Sĩ Phú, Thái Thanh, Võ Anh Tuấn, Lệ Thu.
Nhạc Nguyễn Đình Toàn mang hơi hám của một người lưu vong luôn luôn nhớ về những kỷ niệm cũ, một hoài niệm không rời với hồi ức, thường buồn hơn vui, đã đưa người nghe vào một không gian âm thanh sâu lắng, không sôi nỗi xáo động, nó trầm lắng, dịu dàng, nên lớp người cũ đã sống trước bảy lăm ở miền Nam rất thích nghe.

Từ Giờ Ra Chơi đến Áo Mơ Phai

Truyện Giờ Ra Chơi của Nguyễn Đình Toàn do nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng in năm 1970. Tôi mua quyển truyện này tại một tiệm sách ở khu Hòa Bình trong một chủ nhât đi phép. Đời SVSQ/CTCT ngày phép thường ra bát phố Đà Lạt, sau khi đã vào tiệm tắm nước nóng tắm để rũ sạch bụi đỏ quân trường, sau đó đi ăn phở Bằng hay vào quán Tùng uống cà phê hay ra bờ Hồ Xuân Hương vào Thủy Tạ ăn kem. Nhưng tôi thì hay đi loanh quanh mấy tiệm sách để tìm mua những tác phẩm mới xuất bản của các nhà văn mình yêu thích. Thời điểm đó, truyện dài Giờ Ra Chơi của Nguyễn Đình Toàn mới phát hành nên tôi nhìn thấy là chộp mua ngay.
Giờ Ra Chơi kể lại mối tình của cô gái học trò Đà Lạt tên Thục và tình yêu của tuổi mới lớn của Thục. Truyện nhẹ nhàng êm dịu, thơ mộng như trời mây non nước xứ Đà Lạt. Lúc này tôi có một người bạn gái là một cô học trò trường Hồng Đức, Đà Nẵng, tôi liền mua thêm một cuốn gởi về tặng cô gái và tả tình tả cảnh Đà Lạt, cũng như mối tình đẹp của cô học trò tên Thục trong truyện. Tôi cố rũ người bạn gái lên Đà Lạt học trường Chính Trị Kinh Doanh để được gần tôi, cuối cùng cô gái nghe lời “dụ dỗ” của tôi mà lên Đà Lạt theo học. Rất tiếc là khi cô lên Đà Lạt thì tôi cũng xong hai năm thụ huấn. Tôi đổi đi xa nên mối tình cũng bay theo sương khói.
*
Áo Mơ Phai, tập truyện dài của Nguyễn Đình Toàn đăng “phơidơtông” ở Nhật Báo Tiền Tuyến, được nhiều người đón nhận, theo dõi say mê từng ngày. Sau này in thành sách và được giải văn chương toàn quốc năm 1972.
Truyện Áo Mơ Phai kể lại những mối tình thơ mông ở Hà Nội trước ngày di cư năm 1954, khi Hà Nội còn là ngàn năm văn vật đất Thăng Long, cùng với một Hà Nội thơ mộng trữ tình là sự dùng dằng, ra đi hay ở lại của những người Hà Nội trong giai đoạn lịch sử năm 1954, chia đôi đất nước.
Chúng hãy đọc một đoạn ngắn trong Áo Mơ Phai khi tác giả tả những cái đáng yêu của Hà Nội:
“Những tiếng động nhỏ ấy, những hương vị mờ nhạt ngửi thấy, cây cối trong mùa mưa, phấn hương của người quen thuộc, những món ăn, thức uống, những câu thơ, những bài hát, Hà Nội giống như một cái chuông và những tiếng kêu ấy là những cách khua động, người ta tự gõ vào trí tưởng mình, tự xé lòng mình, để nhẹ bớt nỗi nhớ mong, ám ảnh của Hà Nội, Hà Nội đã biến thành khuôn mặt người tình đầu tiên, khi người ta ghé môi hôn thì cũng là lúc cái hình ảnh ấy khắc sâu vào tâm khảm. Những khu phố dịu dàng dưới sương đêm, sáng cái ánh sáng của vầng trăng lúc nào cũng giống như, trăng khi còn thơ ấu, và những cơn gió nhẹ thổi trên các lối đi, thổi lên các cành cây, chẳng khác những hơi thở nồng nàn tình ái, người ta không thể biết rõ cái vẻ dịu dàng của Hà Nội được tẩm đẫm nhan sắc, dáng vẻ của những người đàn bà, những cô gái Hà Nội, hay chính những người này thừa hưởng cái không khí êm đềm đó, những trận gió mang đầy hơi phù sa của sông Hồng, mùi cỏ của con đê Yên Phụ, mùi rượu ngang, rêu phong của những mái nhà cũ kỹ, của những bức tường thành của ngày Hà Nội bị xâm chiếm xa xưa, của các xưởng máy, của hoa đào, hoa sấu, sắc đỏ của những bông gạo vừa tàn rụng hết trong ngày hè với muôn ngàn tiếng chim kêu hót...”
*
Truyện, thơ, nhạc của Nguyễn Đình Toàn là ta đọc từ tâm thức nhẹ nhàng. Suốt hành trình trên 50 năm làm văn nghệ, Nguyễn Đình Toàn đã cho ra đời những tác phẩm sau:
Văn:
  • Chị em Hải, nhà xuất bản Tự Do, 1962
  • Những kẻ đứng bên lề, nhà xuất bản Giao Điểm, 1964
  • Con đường, nhà xuất bản Giao Điểm, 1967
  • Ngày tháng, nhà xuất bản An Tiêm, 1968
  • Phía ngoài, nhà xuất bản Hồng Đức, 1969
  • Giờ ra chơi, nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng, 1970
  • Đêm hè, nhà xuất bản Hiện Đại 1970
  • Đêm lãng quên, Văn Uyển, 1970
  • Không một ai, nhà xuất bản Hiện Đại, 1971
  • Đám cháy, Văn Uyển 1971
  • Áo Mơ Phai, 1972. 
Thơ:
Mật Đắng
  • Nhạc:
  • Hiên Cúc Vàng (CD)với giọng ca Khánh Ly.
  • Tình Ca Việt Nam (CD) với giọng ca Duy Trác, Khánh Ly, Thái Thanh, Võ Anh Tuấn, Lệ Thu.
Và nhiều nhạc  phẩm khác.
*
Nguyễn Đình Toàn đã hiến cho đời những tác phẩm hay, với riêng với tôi, tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn đã theo bước chân thời gian của cuộc đời đeo đuổi tôi, qua những cuộc tình học trò, sinh viên, thơ mộng, dịu êm. Còn ngoài đời, tôi chỉ gặp ông đâu có hai, ba lần gì đó, cũng chẳng được dịp nói chuyện lâu, nhưng trong lòng tôi, lúc nào cũng mến mộ Nguyễn Đình Toàn.
Rất cảm ơn nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn.


Trần Yên Hòa

NGUYỄN ĐÌNH TOÀN – CỦA CHỮ, VÀ NGƯỜI - Lưu Na
Chủ nhật, nhị ca đưa mình đến gặp Nguyễn đình Toàn. Gọi phone, lên xe, bấm chuông. Một ông già cao lớn mở cửa. Đây là anh chị Nguyễn đình Toàn. Em chào anh chị. Cô chú, anh chị gì mà anh chị. Sao cũng được mà chú. Ừ, thôi muốn gọi anh chị cũng không sao.
Cô Toàn cao như chồng, vóc gọn gàng, nét mặt mảnh mai và đẹp kiểu classic. Mình ngồi lâu ngẫm ra, đây chính là nét mặt Hồ trường An tả nữ sĩ Tuệ Mai của Phạm thiên Thư. Ông Toàn nói chuyện thoạt tiên thấy giản dị. Ông ra ngồi bên cửa sổ ngó xuống đường. Làn khói xanh tỏa nhẹ, duỗi chân. Anh chụp hình. Cũng không quay lại, như họ quen cái cách của nhau và hai người nói chuyện với nhau, thấy một sự tương đắc của tình bạn trẻ già.
Ăn cơm với nhau. Ông bà vui có bạn. Bà cười luôn luôn. Anh luôn nhắc nhở, kể cho mình nghe về nhạc sĩ Nguyễn đình Toàn của Sài gòn năm xưa, chương trình nhạc chủ đề, ý nghĩa những lời hát. Luôn cả chuyện đi đánh ghen mà lại bỏ về vì sợ chúng đánh của cô Toàn. Mình vẫn còn tức cười mỗi khi nghĩ đến chuyện đó.
Một mối duyên gặp gỡ. Khi ra về mình có trong tay 4 CDs có chữ ký của Nguyễn đình Toàn. Lên xe, tiếng cười dòn dã của cô Toàn còn vang bên tai, trách chồng ác miệng.
Mà mình nghĩ ông nhạc sĩ này ác thật. Lời nhạc của ông thường là những lưỡi dao đâm suốt tim mình. Khi mình lớn lên chưa bao giờ được nghe tên NĐT. Ra xứ người mới đọc hỗn độn bộn bề và biết một NĐT như người của trăm năm trước. Những gì ông nói và viết đều chỉ là một giấc mơ với mình vì tất cả đã không còn để mà biết. Giờ đây mình tưởng mới nghe nhạc NĐT, mà hóa ra đã nghe từ lúc nhỏ: Em đến thăm anh đêm 30, Tình khúc thứ nhất.
Khánh Ly cũng hát nhạc NĐT ra rả, nhưng lần đầu tiên mình chú ý, là bài Hãy thắp cho anh một ngọn đèn do Nam Lộc hát. Lời lẽ thấm thía buồn, chua chát buồn, cay đắng buồn. Mà trên hết lại là một nỗi buồn cam phận lẻ loi, không gào thét oán than; chỉ khi đã hiểu sâu thì không thể không hỏi “vì ai gây dựng cho nên nỗi này?” Không chỉ riêng một bài này, lời nhạc của ông thường cứ như dao lách vào lòng người nghe, vào những ngõ ngách của tâm hồn mà không phải ai cũng gọi được tên. Khen chữ của NĐT là khen phò mã tốt áo. Nhưng đọc lời nhạc NĐT thì mình nghĩ hay không vì chải chuốt mượt mà hay cầu kỳ văn hoa. Nó hay ở cái chỗ giản dị mà đúng một cách đớn đau, những con chữ của cuộc sống đời thường được tóm lại, đưa vào với một nốt nhạc kêu lên đúng cái âm vang khổ đau, ray rứt của tâm hồn. Không cầu kỳ, không phóng đại, chỉ đúng chỗ đúng mức đúng tâm tư.
Bài Mưa khuya lời lẽ đâu có gì khó khăn. Tiếng mưa khuya thì chỉ có đêm trở mình nghe được. Lời mưa thì thầm trong đêm, thì dĩ nhiên âm u. Cũng chỉ là nhắn gửi nhẹ nhàng, vì thất tình thì đúng là hay “nuôi tình đã chia lìa,” và vẫn tuyệt vọng nhớ một “cuộc tình đã quên.” Nghe cứ muốn khóc hoài vì nó khơi nỗi buồn sâu xa lấp kín. “[T]hì kiếp này, còn gì nữa đâu…” chữ “thì” ông có thể dùng chữ khác cầu kỳ hơn, nhưng ông nói chữ đó, chữ thông thường chúng ta hay nói.
Bài Dạ khúc, “riêng tôi nhớ….người” là cái nhớ ray rứt đớn đau đằng đẵng một mình, không bằng lời, chỉ bằng liên tưởng đến cái không: không có bầy như chim, không có phút nghỉ ngơi như trăng lặn, không bằng cả dòng nhạc phức tạp: chỉ một chữ nhớ trên 4 nốt chạy xuôi xuống, rớt lặng vào lòng.
Bài Quê hương thu nhỏ lời lẽ là một bí mật với mình. “Người chờ người đi, đã như nhang tàn…” là chờ như chờ đến nhang tàn trên bàn thờ buổi giỗ, hay người đã chết âm thầm dấm dúi như nhang tàn, héo hắt lạnh lùng? Chữ “đã” nốt nhạc chỉ lên một chút cho dấu ngã, không nhấn không dằn, chỉ hiu hắt như nhang tàn. “[N]gười bỏ người thôi, khác chi nợ nần…” chữ “thôi”, nó bình thường như mình kể chuyện mất một cái nón hay cái gì đó. Vậy, rồi nghe thấm cái đau người bỏ nhau nhẹ tênh như hắt cặn nước, như vất điếu thuốc (chữ của Phan nhật Nam). Lại có những nỗi đau nỗi buồn NĐT chỉ dám lướt qua: trăm muôn lời than rồi khăn tang và tiếng thét, Với bao nhiêu đời dở dang vì nhắc lại đau hơn, đó là cái ân cần thầm lặng với đời. “Đã trả xong, rũ sạch trơn,” âm điệu láy lên như tiếng người miền Nam trơn tru mộc mạc ngân nga. Ngay cả nốt nhạc NĐT cũng chọn sao cho giản dị gần gũi với tâm tình với cuộc sống đời thường.

Dĩ nhiên không có gì tuyệt đối, mà đẹp xấu hay dở cũng tùy người đối diện. NĐT đã nói, tác phẩm khi buông ra nó không còn là của mình. Mình cho là nhạc NĐT hay ở những bài chậm buồn kể lể tự tình. Nghe rập rình tango hay valse không dở, nhưng nó phai đi cái ray rứt khổ đau dù là khổ đau hạnh phúc. Như bài Hiên cúc vàng, tango mà Khánh Ly hát thì ăn tiền, nhưng trống đàn rầm rộ quá, trong khi lá thu rơi thì chỉ lưng tưng nhè nhẹ. Mình không biết nhạc lại không biết sử dụng nhạc cụ, nói vớ vẩn có thể bị đánh cho, thôi, nhưng thật vẫn thấy sao sao. Cũng như nhạc và lời không phải lúc nào cũng có thể khớp, nhưng ông không chịu uốn lời, thành thử lúc hát có chỗ nghe lệch chữ, như dao thành giáo (bài Dạ khúc), hay xa rồi thành xà rôi (bài Quê hương thu nhỏ) … nghe rồi phải ngẫm nghĩ, lớp trẻ chưa chắc hiểu đúng, mà mình cũng phải lục tìm lời hát cho chắc ăn. Vậy, hơi vất vả cho người nghe!!!

Nhạc giản dị, nhưng không dễ hát và lại kén giọng. Âm vực rất rộng, từ Sol (G) dưới Do trung (C) lên đến Mi (E), khó chuyển giọng, và thích hợp với giọng nam nhiều hơn giọng nữ. Nữ ca sĩ có lẽ Khánh Ly Lệ Thu mới hát được, xuống được những nốt rất thấp, (Khánh Ly hát xuống nốt Do (C), anh Hùng cũng không xuống tới) và không láy lộn chỗ làm hư đi ‎‎ý nhạc như Ý Lan (bài Dạ khúc: buồn không son xòa..óa môi cười). Thêm nữa, ông thả nhiều nốt bất ngờ, không như lẽ thường theo đúng hợp âm. Thường nghe nhạc, ai nghe một câu cũng có thể lái theo câu kế, nhưng rồi NĐT lại thả vào một nốt khác cái khung dự đoán. Vì vậy nghe lạ và thành mới!
Với mình, đặc sắc chính ở chỗ giản dị, giản dị từ nhạc đến lời, không ở chỗ cầu kỳ chải chuốt; đặc sắc ở chỗ chọn đúng chữ đúng lời, chọn đúng nốt nhạc để láy. Nhạc NĐToàn như tấm áo cắt khéo, mũi chỉ đường kim sắc sảo trên nền vải lựa đúng hàng đúng màu sắc đúng chiều sớ vải. Tấm áo sang chính vì cái giản dị có cân nhắc có nghệ thuật. Chiếc áo sang làm đẹp vóc người mặc mát mắt người nhìn. Bài nhạc sang làm rõ bản lãnh người hát và đẹp tâm hồn người nghe. Nhưng đồng cảm, phải có cả một tâm hồn, không biết có bao nhiêu người thấm thía với NĐT?
Câu hỏi chỉ là một thắc mắc trong lòng, mình chỉ là một người đọc muộn màng.           
            
Mình trở lại căn nhà đó thêm nhiều lần nữa vì một lời gửi gấm, nhưng chỉ hơn tháng sau thì giao ước không lời kia thành vô nghĩa. Giờ chỉ còn một tiếng gọi thầm.
Mỗi 4 giờ chiều mình đến căn gác ấy, ngồi uống cùng ông một chung rượu. Ông không uống, chỉ hút pipe. Mình thì chỉ uống rượu đỏ, từng nửa chung một, loại chung sứ hoa văn xanh dương dùng để uống trà. Mỗi 4 giờ chiều mình đến, từng chiều lại từng chiều, chỉ để bị ám khói thuốc pipe và cùng ông cười vang trong căn gác hẹp. Ông ngồi một chỗ cố cựu sát bên cửa kính, co một chân lên thả làn khói xanh trong cái nắng cam hồng của ngày sắp tắt. Ông nhìn ra cửa kính ngắm mây chiều đổi sắc và cành chuối lá xanh trong đi trước ánh mặt trời. Mình ngồi bên ông nghe chuyện Sài Gòn năm xưa, nghe ra một con người đằng sau những gì mọi người đã nhắc.
Mới biết ra, ông là nhà văn trước khi là nhạc sỹ, mới biết ra trước 1975 ông đã có 20 tác phẩm xuất bản, và đã đoạt giải văn học 1973. Không phải mình không nghe gọi nhà văn Nguyễn đình Toàn, nhưng nói về nhà văn NĐT mà hầu hết là ca tụng những lời ông viết dẫn trong chương trình nhạc chủ đề, những chữ ông viết cho người cho việc v.v… mình cứ tưởng ông viết chơi ,viết còm, viết truyện ngắn, viết láo mà chơi. Nhưng 20 tác phẩm? Ông đã viết những gì? viết ra sao? Câu hỏi thầm của buổi ban đầu dội lại trong óc. Mình hỏi, ông gật. Viết văn, làm báo Văn, giải văn học toàn quốc Áo mơ phai…, mà người ta lại chỉ nhắc cái thứ mình làm chơi. Cười. Giờ đây, ông còn được trên tay 3 cuốn truyện dài, một in lại bên Úc, một do Tự Lực in lại, và một, là của độc giả năm xưa lưu giữ tặng lại. Xót lòng. Áo mơ phai, áo mơ phai…
Mình nằm đọc Tro than, Áo mơ phai, và Đồng cỏ. Đọc mà cứ phải thường xuyên dừng và đọc ngược trở lại. Đọc, lâu lâu lại phải ngừng để lấy hơi rồi mới đọc tiếp được. Chữ của ông khó hiểu quá chăng? Truyện ông viết nặng nề quá chăng?
Mình nghĩ mình đã lội ngược dòng vì đã bắt đầu đọc chữ của ông qua ca từ. Tựa như những vần thơ của Mai Thảo lúc cuối đời, những hàng chữ đó là những lời chắt lọc làm nhạc của ông khác hơn của người. Cộng với những dòng đã viết cho nhạc chủ đề, Bông hồng tạ ơn… mình đã đọc cái phần tinh túy trong chữ nghĩa, hưởng cái tinh tế trong cảm nhận, và thấy những ký họa bằng chữ từ nhận xét sắc sảo của ông. Rồi khi đọc truyện dài, những chữ những lời đó như lạc mất vào sa mạc mênh mông của biển chữ, vào cái suy tư bất tận trong lòng ông, vào một thế giới quen tự muôn đời mà lạ qua tâm hồn ông. Mình expect những dòng chải chuốt, những câu chuyện sâu sắc, những câu văn tinh tế gọn gàng, mà vấp phải những câu dài hơn 2 trang không dấu chấm (Áo mơ phai), vấp phải cái ray rứt dằn vặt độc thoại của một tâm hồn sometimes còn trẻ không tìm được tên gọi cho những nỗi niềm (Đồng cỏ), vấp phải những chi tiết như vô lý, những tỉ mỉ như không cần thiết mà không biết ngắt bỏ chỗ nào phần nào. Chới với và thất vọng. Có những lúc mình tự hỏi Áo mơ phai được giải thưởng vì lý do gì?
Sau này khi đã lui tới đọc xong cả 3 quyển truyện, cũng như lướt qua một vài truyện khác, ngẫm nghĩ lại những điều đã đọc, mình e đã đòi hỏi một điều quá sức mình.
Suốt cả ba cuốn truyện, mình cứ cảm thấy như đang bị một dòng băng hà chậm rải từ từ cuốn mình vào dòng, nhào trộn mình với những gì nó đã cuốn theo trên đường đi qua, và, những thứ ấy như vẫn còn tươi roi rói từ bấy đến nay. Những điều ông viết không phải là cao siêu hay kỳ bí hay rắc rối, không phải là mới, chỉ là rất riêng biệt một Nguyễn đình Toàn. Những khi dừng lại, mình vẫn thường phải nhẩm vài lần một câu đã đọc cho thực hiểu những điều ông muốn nói, như phải nhai cho nhuyễn một miếng và mới mong thấy cái ngọt của gạo cái thơm của cơm.
Từng lúc, mình thấy rất nhiều những cây viết hiện ra theo con chữ của NĐT tùy theo cái điều ông đang nói đang tả đang ngẫm nghĩ, tùy theo cái ngắt mạch văn.
Nhẩn nha thong thả, như ngày của Lan và Quang (Áo mơ phai) dài hơn 24 tiếng, những khi ông tả cô Phụng (Đồng cỏ) đi từ con đường này đến điểm hẹn kia, qua bao hàng cây thấy bao nhiêu mây buồn bao nhiêu lần, hay cảnh cô Hóa (Tro than) xuống xe đi từ ngoài ngõ vào nhà đường xóm gập ghềnh bao nhiêu lòng cô rối bời bấy nhiêu, thì mình nghĩ đến cái cách Nhất Linh tả Mối tình “chân” của Bé và Đỗi trong Xóm cầu Mới. Giống Nhất Linh thì văn trong sáng lắm chứ? Nhưng không, mà cũng không thể nói là văn luộm thuộm hay lời bí hiểm. Đâu có chữ nào mình không biết, đâu có đảo câu viết ngược viết ngang gì. Đồng cỏ, ông dùng chữ “không ngay ngắn” để nói Thảo và Phụng với cá tính và tâm hồn hơi rắc rối, hơi phức tạp, hơi suy tư khắc khoải, hơi xa rời thực tế - cái thực tế thô nhám của cuộc sống. Mình nhớ ông từng nói, chỉ có một chữ đúng và nhiều chữ gần đúng cho một sự việc, cũng như không biết bao nhiêu lần ông nhấn mạnh cái chính xác trong ca từ. Ông luôn rên rỉ, phần lớn (họ) cứ hát sai lời, có khi còn bịa thêm lời, chứ hiếm khi nghe ông than hát sai note nhạc. Mình nghĩ đến những chữ lệch lạc, bất bình thường, không mẫu mực, không đúng khổ…, những chữ đó nghe dễ hơn nhưng hoặc không chính xác, hoặc đã bị dùng cho một nghĩa khác. Và mình bất lực không tìm được chữ nào khá hơn chữ “ngay ngắn.” mình cho rằng không phải lúc nào ông cũng có thể trong sáng chính xác, nhưng ông đã buộc phải nghĩ đến cách dùng chữ và nghĩ đến cái điều ông muốn nói, cũng như tính cách không thỏa hiệp của ông khi viết ca khúc.
              
Đọc những dằn vặt những ray rứt nội tâm triền miên của ông, mình thấy một Mai Thảo với dạt dào những xúc cảm của lòng. Khác chút xíu là, đọc NĐT thấy giật mình, ngẫm nghĩ rồi thẫn thờ.
Nói ông là nhà văn của thiên nhiên thì cũng đúng nhưng không phải. Thiên nhiên có làn mây cụm mây chùm mây dải mây, đủ màu muôn sắc; nhưng mây của NĐT là những giải khăn xám bay la đà trong không gian, như sẵn sàng rớt xuống ngang mặt lau cho ai giọt nước mắt rơi thầm. Cái thiên nhiên không thiếu, mà nó là tất cả, ở mọi chỗ mọi nơi trong mọi (?) truyện của Nguyễn đình Toàn. Ông tả thật tỉ mỉ thật chi tiết mọi thứ quanh ông, như những nhà làm phim loại Thiên nhiên kỳ diệu kiên nhẫn với mọi sự sống mọi loài sinh vật cỏ cây. Ông làm mình nghĩ đến Võ Phiến. Nhưng Võ Phiến quan sát mọi sự quanh mình, tỉ mỉ chăm chú nhìn ngắm mọi người quanh mình, còn Nguyễn đình Toàn thì thật ra chỉ ngó một thứ tỉ mỉ một điều: lòng của ông. Như vậy, dường như đọc Võ Phiến thì mình theo người viết ngó ra chung quanh và đọc Nguyễn đình Toàn thì mình ngó vào lòng người viết!
Những lúc ông thiết tha nói, nói không nghỉ không dừng, thường là những lúc ông tả một khung cảnh một cái gì đó đang xảy ra trong đất trời và thường là những cái nhỏ bé nhất tầm thường nhất mình không bao giờ để ý. Những lúc ấy mình nghĩ đến Du tử Lê, với 2 chữ một dấu phẩy một gạch chéo hay một dấu gì đó ngắt rời mọi thứ bẻ vụn mọi thứ và dù vậy mọi thứ vẫn bị trộn vào nhau khi đọc lên (Ca khúc, của Lê). Không, Nguyễn đình Toàn nhất quyết không trộn một cái rung của mầm cỏ với gió lay dù câu của ông dài lê thê đến đâu. Và khi nói đến cái bao la vô tận của đất trời, cũng là nói đến cái hữu hạn của thân phận trước cuộc trăm năm, những lúc đó ông làm mình nghĩ đến Tô thùy Yên, với những câu hỏi trực tiếp vào vô tận sống ở trên đời ghê gớm quá, vậy mà ta sống có kỳ không?
Như vậy, Nguyễn đình Toàn có một văn phong riêng biệt không?
Ông nói, đọc Mai Thảo thì đừng đọc truyện đọc văn mà hãy đọc cách MT viết những truyện ấy. Đồng ý, nhưng e là điều đó còn đúng hơn nữa với chính Nguyễn đình Toàn. Vì đọc 5, 10 hàng dù chưa biết nói gì vẫn có thể đoán là Mai Thảo với chữ dùng thường đối âm vần điệu và ngắt câu làm dáng vẻ bất cần. Đọc nửa trang, biết ngay Võ Phiến với những nhận xét lạ đi kèm với phân tích sắc sảo giọng dí dỏm, thật thích thú. Trần mộng Tú: giọng nhẹ nhàng êm ái trong sáng, tình muôn thuở và tình luôn mới….Nhã Ca, Túy Hồng: giọng bốp chát sắc cạnh ngang ngược và dồn dập, Trần Vũ, Nam Dao: giọng táo bạo ráo hoảnh, những chuyện mãnh liệt tàn bạo bất ngờ…
Văn phong của Nguyễn đình Toàn thì chỉ một giọng đều đều hờ hững, khó tìm được những lời cuồng nộ những câu xúc cảm, hay những cảnh dồn dập sôi động. Với nhạc, mình dễ dàng tìm thấy signature của Nguyễn đình Toàn sau khi nghe 5, 7 bài hát. Cái signature đó nằm ở note Mi (E) và câu chữ thư em nói với anh, cây xanh nói với anh (Em còn yêu anh)… Những âm vang khổ đau từng lúc nghe ra từng câu thấm thía, với tới lòng mình, lòng của bao người. Vào biển chữ, văn của ông thiếu một âm vang và mình bị lạc. Chữ thì thật chính xác mà lời thì chìm lỉm, lạ, và thật vất vả cho mình.
Ông viết cái kiểu Tạ Ty nói mưa lâu thấm đất, với cái bố cục không có bố cục, nói cái chuyện không có chuyện gì cả. Và mình thì cứ phải đọc miết coi ông muốn nói cái gì để kết luận là ông không nói gì. Hay là nhân vật của ông đặc biệt. Mình e là mình cũng thất vọng với những cô gái ấy. Nguyễn đình Toàn nói ông thích phụ nữ nên nhân vật của ông toàn là phái đẹp. Thích phụ nữ, đâu chỉ mình ông. Chỉ là, phụ nữ trong truyện ông chán lắm. Chả thấy nhan sắc quần áo vóc dáng gì mấy, nhiều nhất chỉ là “mắt đẹp,” nhưng sáng quá nên mất nữ tính!! Ông có cho họ nữ tính đâu mà còn với mất. Mà các cô đó, từ học sinh trung học, đến độ 20 nghề nghiệp học thức vững vàng, hay góa chồng dang dở (Giờ ra chơi, Đồng cỏ, Ngày tháng), ông đều gắn lên tay họ điếu thuốc, không phải cái lược hay thỏi son. Mình nhớ, những năm 70 thì đó cũng hơi loạn. Hoặc họ rất lạ lùng khô lạnh.
Như Hóa của Tro than: nghèo khó và ráng hết sức mình để đi qua mọi khó khăn đến quên tuổi trẻ, mà đời vẫn như đã cháy rụi âm thầm trong ánh đèn leo lét của bàn thuốc phiện. Hóa quên khóc thương thân và trao đi cuộc đời trước khi biết mình đã trao. Lần đầu ta ghé môi hôn, vậy, mà người ta hôn mình rồi mình lại chỉ thấy dư vị chua cay?
Tuấn thì kéo 2 vai của Hóa sát lại mình và hôn lên môi Hóa… trong khi Hóa không có phản ứng, cảm xúc gì ráo. Hm, sao Tuấn không úp 2 bàn tay kéo mặt Hóa sát vào, sao Hóa không chới với hay hưởng ứng? Vẻ như Tuấn đang uống trà thưởng hoa, và Hóa đang nhìn cái tôi một cách lơ đãng. Đài các hơn, cô Lan cũng ăn diện đôi chút (!), nhưng cô đi dông dài ngày tháng với Quang rồi phút đất trời phân cách cô vẫn còn phải hỏi lòng mình có yêu người và người có yêu mình. Táo bạo hơn (nhân vật của Nguyễn đình Toàn thì Sài gòn dương nên táo bạo, Hà nội âm nên nhu mì !!!) cô Phụng tính sẵn một cuộc trao thân làm kỷ niệm mà cái kỷ niệm ấy chỉ dường như ngắm trăng bên cửa. Chán. Và cũng không cần bố cục.
Rồi ông còn cho họ, những cô gái tuổi đôi mươi, nghĩ những gì là bộ Sĩ trên bộ Y làm thành chữ Biểu, một ý tưởng một biểu tượng kiến trúc để nói lên chiều sâu văn hóa của một đất nước (Thảo của Đồng cỏ), hay cho họ nhu cầu “kiếm ra một nơi có đủ yên tĩnh, có đủ thời giờ, sắp xếp lại đầu óc, hầu có thể phân biệt được tội ác, lòng nhân ái, sự cuồng tín, và hy vọng…” (Đồng cỏ, trang 2). Các cô, nhân vật của Nguyễn đình Toàn, thường lỡ trớn và hụt hẫng khi đi tìm tình yêu, luôn có vẻ ưu tư và suy nghĩ như một người đàn ông trung niên (cỡ tuổi của ông đấy). Rõ ràng, nhân vật phái nữ chỉ là một biểu tượng, cần thiết, cho cái tế nhị tỉ mỉ tinh tế mà ông muốn phơi bày. Ai muốn yêu họ và họ có biết yêu?
Nguyễn đình Toàn có biết yêu. Mình nghĩ Nguyễn đình Toàn yêu cuộc đời tha thiết đến nỗi không thể yêu một ai riêng biệt. Từ trong giọng đều đều hờ hững ấy, trong những nhân vật thật chán ấy, mình thấy một tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn và tinh tế. Không yêu không thể nào ghi nhận cái thay đổi của sắc trời, ngửi được mọi thứ hương thầm, hay hiểu được vì sao người ta khóc vô cớ sau khi đã thắt chặt lòng đi qua cái khốn khó đau thương; và ngàn lẻ một điều xoay chuyển của thiên nhiên của đất trời của lòng người mà ta có thể nhận ra nhưng quên ngay tức khắc. Cái chậm rãi tỉ mỉ của Nguyễn đình Toàn tựa như người ăn dè, ăn từ từ, ăn cẩn thận vì quý phẩm vật sự sống và quí chính mình, một thân phận con người. Tinh tế, từ cái giọng đều đều hờ hững ấy thấy mọi niềm đau của tha nhân. Tôi đi tôi đứng tôi gặp tôi nói tôi nghĩ tôi thấy tôi cảm…, cả trong những lúc tôi đang bên một người, nỗi lẻ loi cô quạnh luôn đậm nét. Khi lời văn ấy dội ra nỗi lẻ loi cô quạnh mình cảm nghĩ chính là Nguyễn đình Toàn thốt lời chia xẻ, rằng ông biết và thấu. Ông tỉ mỉ cách thật nhức nhối, nhưng yêu một tình yêu bao la hơn là cụ thể nên xác thịt không là gì cả, không có chỗ đứng trong truyện của ông. Tôi nghe tôi thấy tôi ngửi (được cả mùi tanh từ soong nồi nhôm) mọi điều của cuộc sống, chứ tôi không nhìn một phân da thịt hay thèm một chút mặn nồng. Tôi không là tôi khi chưa thở hết không khí quê hương khi chưa nghe trọn cái âm giai của đất trời khi chưa mù lòa vì ánh mai rạng rỡ, chưa chết đắm trong mưa khuya, và như vậy biết khi nào tim mới ấm một mối tình. Lãng mạn và dường như đi tìm cái đồng cảm tuyệt đối, nhân vật của Nguyễn đình Toàn không thể tìm được tình yêu. “…sống là sống với một người…” (Ngày tháng). Còn điều nào rõ hơn không cái niềm yêu tha thiết đó? Và mình nghĩ đến ông như một câu trong bài Anh yêu em, con giun con nằm uốn khúc giữa đêm trường rồi giun chết chết tương tư vì sao sáng…Nguyễn đình Toàn có lẽ muôn đời cũng chỉ tìm thấy dở dang, nhìn nhau ra người cũng một đời thôi (Nụ vàng) mãi là ước vọng.
Nhưng cái điều làm mình ngộp thở là suy tư nội tâm của Nguyễn đình Toàn về cuộc đời về quê hương, xã hội ông đang sống.
Cuộc chiến, nó ảnh hưởng mọi số phận người Việt, dù biết hay không, chấp nhận hay không. Mình ngửi thấy khói súng trên những trang viết của những quân nhân, những thất vọng bực bội oán hờn và phản đối của những người tuổi trẻ đứng bên lề vì không muốn tay vấy máu anh em. Mình nghe tiếng dội của đạn bom trên những trang tình yêu ngăn cách. Riêng tiếng nói của Nguyễn đình Toàn là tiếng nói của một từng lớp trí thức trên khía cạnh văn hóa, một nỗi trăn trở thấy quê hương, thấy văn hóa của mình lỗ chỗ gập ghềnh. Ở truyện dài của ông không thiếu hệ quả của chiến tranh, nhưng nó như cái bóng xa mờ, có đó mà luôn nép vào một góc, để cho cái nội tâm suy nghĩ của nhân vật ngự trị xuyên suốt.
Đọc ông, những suy nghĩ luôn dội lại, về sau, trong óc mình, và mình buồn rầu nhận ra là mình không có khả năng để hiểu hết tâm hồn ấy, hiểu hết những dòng chữ ấy. Những 4 giờ chiều ngồi bên ông cho mình biết, rằng cái khoảng cách tuổi đời chỉ là một chuyện nhỏ. Dĩ nhiên, mình chỉ mới đi 2 phần 3 quãng đường ông đã đi qua, và đường mình đi thì êm ả hơn nhiều. Nhưng ở chỗ này, khi mình có lịch sử mở sẵn, có hơn Nguyễn đình Toàn 1973 mười tuổi đời, mà những gì ông viết đều như quá sức suy nghĩ và hiểu biết của mình, mình tự hỏi phải chăng mình lấy lòng giếng cạn để tìm hiểu một vực sâu. Làm sao giải thích được, khi bên cạnh những nụ cười nhảm trong Đồng cỏ là nhân vật buồn rầu, suy nghĩ buồn rầu trước một tương lai không có gì đe dọa mà vẫn buồn rầu. Bốn giờ chiều, ông đâu có buồn rầu dữ vậy. Dẫu lặng lẽ chứ không cười vang cười hô hố, ông luôn là cái kho của những chuyện mà Quỳnh Giao gọi là đáo để. Những năm tháng đó là những năm tháng tươi đẹp tràn cơ hội mà ông đã sống thật trọn vẹn, điều gì khiến xui ông viết những dòng suy tư bất tận, chán chường? Định mệnh nào khiến xui ông chọn văn nghiệp khi ông có dư thừa cơ hội để phát triển năng khiếu âm nhạc? Thật đáng sợ, Nguyễn đình Toàn đã viết những lời tiên tri không thể xóa bỏ.
Mình đọc lại Áo mơ phai. Nhân vật chỉ là phụ, Hà nội, cái thành phố của kỷ niệm đó mới là chính, là hoài niệm mà Nguyễn đình Toàn viết cho chính ông. Ở trong cái thành phố đó mọi thân phận chỉ là chiếc lá trăn trở đổi màu theo thời tiết và mọi con đường đều trở thành mơ hoặc vì sương. Hoài niệm, 1973, một người Hà nội 54 tưởng nhớ một Hà nội kháng chiến 45 và thu vào hồn mình cái Hà nội đang mất. Hoài niệm, 1973, người ấy thấy Hà nội trong chiếc áo sương trong và chiếc nón thời tiết. Giải thưởng Văn học có đặt trên chiếc áo sương trong đó không mình không biết, nhưng Nguyễn đình Toàn đã thêm cho nghìn năm Thăng Long một dáng vẻ. Và đồng thời, khi nghĩ đến, vẽ ra cái Hà nội đã mất 1954, Nguyễn đình Toàn cũng đã vẽ ra cái Sài gòn sẽ mất 1975. Số phận của dân tộc đã được thốt ra bằng sự nhạy cảm của những người đàn bà, trong mối tình tay ba của bố mẹ Lan, mối tình sẽ phân cách của Lan và Quang, những cái tay ba sẽ thành sau ngày phân cách ấy… Cái cuồng giận của những người vợ cải tạo 1975, oán hờn phân ly của chuyện vượt biên… xác nhận cái linh cảm của Áo mơ phai. Đau đớn. Mình nghĩ cũng nên trao giải cho ban tuyển chọn vì cái tiên tri đau đớn ấy.
Nhưng Đồng Cỏ mới làm mình hiểu ông hơn, một Nguyễn đình Toàn của 4 giờ chiều. Phụng là tâm hồn là cuộc sống, Thảo là suy tư ước vọng, và Nhiên là cái thực tế cuộc đời mà từng lớp trí thức hoặc phải chấp nhận để sống cho qua hoặc nhìn lẽ sống dần xa. Những nụ cười nhảm mà ông đã phân trần, mình thấy ra ông, dùng cái cười để phôi pha vạn niềm đau. Bốn giờ chiều, những lúc ngồi bên khói thuốc xanh nghe ông nói đôi điều chữ nghĩa mới chợt thấy ra cái tinh thần kẻ sĩ của ông sau cái lãng mạn nghệ sĩ, cái lòng yêu quê hương, tha thiết với văn hóa, chợt hiểu vì sao ông có tình tri kỷ cùng anh dẫu chênh lệch tuổi tác, cách đôi bờ xứ sở. Những lúc đó mình thấy ngậm ngùi, muốn hỏi ông rằng ông và anh và mình và những ai đã rời xa đất nước, có phải cái sống có ý nghĩa nhất là của những người đã chết cho quê hương. Máu của họ đã thấm mảnh đất quê, tưới thắm hồn dân tộc. Chúng ta đứng nơi đây chỉ là những con ốc mượn hồn.
Đồng Cỏ, ông nói khơi khơi, về những ngày cuối của một xướng ngôn viên trước khi rời xa xứ sở. Mình nghĩ đến ông, đến Hồng Ngọc, đến cái thảm thiết mà ông đã dự cảm khi cô Phụng kêu thầm tiếng oan khiên phải bước chân đi. Dẫu đó là chọn lựa của cô, nhưng cô thấy bế tắc như thế hệ NĐT thấy bế tắc, phải chọn một lối thoát mà không chắc thoát. Đồng cỏ 1973, Nguyễn đình Toàn đã viết những lời chung cuộc cho chính bản thân 40 năm sau, khi ông phải lìa nơi đã sinh ra đã yêu mến và hằng muốn chôn thân. Đồng cỏ 1973, nén nhang giải oan cho những người ngã xuống, hòa giải cho những người còn lại đã được nêu ra và chìm vào biến loạn. Trong cái bàng hoàng khi đọc những hàng chữ đó, mình nhớ đến giọt nước mắt không gọi được tên khi ngồi trong ghe vượt biên biết có tàu tới vớt. Nghĩa là sống rồi, nghĩa là cuộc đời mới bắt đầu. Trên cao mây xám dưới chân biển đen sâu chung quanh bốn bề sương giăng mờ mịt, giọt nước mắt vô cớ héo một góc hồn của mình cũng đã được viết xong 1973 trong tiếng kêu oan khiên thảm thiết của cô Phụng: từ đây mất một quê hương.
Đồng Cỏ 1973, ý nghĩa của công việc xướng ngôn viên ban Việt ngữ của những đài quốc tế đã được viết xong:
“Mai đây tới cái chốn xa xôi đó, công việc của tôi không thay đổi, nhưng có phải mỗi tiếng nói của tôi sẽ mang một ý nghĩa khác? Những bản tin chắc chắn không hoàn toàn chỉ còn là những bản tin nữa mà nó còn có thể là những lời kêu gọi quê hương, gửi vọng từ chân trời về". (Đồng cỏ, trang 17)
Và chợt dưng mình nghĩ, anh chắc không biết đến những giòng chữ đó dù đã đến cùng ông thành bạn tri kỷ; chợt dưng mình nghĩ, anh và ông đã tìm đến nhau trong linh cảm của loài thú hoang tìm thấy nhau trên đỉnh cao bên bờ vực sâu, cùng cất tiếng đau thương cho nó dội vào vách núi.
Đồng cỏ, mình chưa đọc hết những gì ông đã viết, nhưng riêng với cuốn sách này mình cảm như đã thấy tâm tư của Nguyễn đình Toàn, đọc thêm chỉ là mua vui. Nhưng có lẽ phải thêm một trăm năm 4 giờ chiều nữa thì may ra mình hiểu và viết được hết mọi điều về Nguyễn đình Toàn, của chữ và người.
Lưu Na 03/04/2011

                 Đào Trường Phúc Viết Về Nguyễn Đình Toàn
                   TÌNH CA VIỆT NAM MỘT THỜI HẠNH PHÚC -  NHẠC CHỦ ÐỀ TRÊN LÀN SÓNG ÐIỆN
Tình ca- những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau... Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta”...
“Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: Tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố... Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ... Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố”...
Ðó là những lời mở đầu một chương trình “Nhạc Chủ Ðề” trên làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Sài Gòn, một buổi tối thứ năm nào đó của thập niên 60. Nguyễn Ðình Toàn đọc những lời giới thiệu ấy sau phần nhạc hiệu của chương trình, và tiếp theo là những giọng hát và những ca khúc chọn lọc đến với thính giả - giọng hát Duy Trác và “Hướng Về Hà Nội” của Hoàng Dương, giọng hát Thái Thanh và “Giáo Ðường Im Bóng” của Nguyễn Thiện Tơ, giọng hát Sĩ Phú và “Trở Về Dĩ Vãng” của Lâm Tuyền, giọng hát Lệ Thu và “Bóng Chiều Tà” của Nhật Bằng, giọng hát Khánh Ly và “Mùa Thu Chết” của Phạm Duy...
Những lời giới thiệu ấy, những lời ca tiếng hát ấy dội vào tâm tư của cả một thế hệ Việt Nam, một thế hệ lớn lên trong bối cảnh của những cơn binh lửa nối tiếp nhau trên quê hương. Và kỳ lạ thay, đến bây giờ những ca khúc ấy vẫn ở lại trong ký ức họ, cho dù nhiều năm tháng đã trôi đi, bao nhiêu khuôn mặt đã xa khuất, một cuộc chiến đầy cay đắng đã tàn để nhường chỗ cho một thảm kịch khởi đầu, một thế hệ đang lùi dần vào quá khứ trong khi nhân loại đón chào một thiên niên kỷ mới...
Nếu như đối với các thính giả ái mộ “Nhạc Chủ Ðề” của thập niên 60, chương trình phát thanh ấy là một thư viện cất giữ giùm cho họ những trang sách kỷ niệm vô giá của tuổi thanh xuân hay một thời yêu đương, thì đối với sinh hoạt văn nghệ nói chung, “Nhạc Chủ Ðề” là nhịp cầu tiếp nối giữa dòng nhạc tiền chiến và dòng nhạc sau cùng của miền Nam tự do. Chất nối kết hai dòng nhạc ấy là tình yêu, cho nên cuộc hành của “Nhạc Chủ Ðề” chính là cuộc hành trình của tình ca Việt Nam, dọc theo những năm tháng oan trái nhất của lịch sử...
“Tình Ca Việt Nam” là tựa đề của băng nhạc đầu tiên và duy nhất do người khai sinh chương trình “Nhạc Chủ Ðề” - nhà văn Nguyễn Ðình Toàn - thực hiện vào năm 1970. Ngày đó trên quê hương chúng ta, compact disc và video chưa xuất hiện, mới chỉ có hình thức“bande magnetique”, và các phòng thâu băng cũng chưa có những thiết bị kỹ thuật tối tân để lọc âm thanh, ghép tiếng hát... Nhưng ngày đó cơn lốc chiến tranh đã cuốn hàng triệu người tuổi trẻ tù thành phố ra sa trường và đưa lửa đạn mịt mù từ sa trường về thành phố. Giữa giông bão chiến tranh, trong nỗi mong manh bọt bèo của thân phận con người và số phận đất nước, những ca khúc bất hủ của kho tàng tình ca Việt Nam được ghi lại và cất lên qua những giai điệu tuyệt vời nhất, vào giai đoạn thăng hoa nhất của những tiếng hát Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Sĩ Phú, Võ Anh Tuấn, tiếng dương cầm của Nghiêm Phú Phi và Lê Vũ Lê Văn Chấn, tiếng vĩ cầm của Ðan Thọ, Tuấn Khanh, Phạm Văn Phúc, Ðào Duy... tiếng clarinette của Ðỗ Thiều và Lê Ðô, tiếng đại hồ cầm của Nhật Bằng, nhịp trống của Trần Quang Mây...
Hơn ba mươi năm sau, khi khối người Việt Nam lưu lạc nơi hải ngoại đã chuyển tiếp từ thế hệ thứ nhất qua thế hệ thứ hai, rồi thế hệ thứ ba, “Tình Ca Việt Nam” mới được in và phát hành lần đầu tiên dưới hình thức CD. Nguyễn Ðình Toàn gửi đến thính giả mười lăm bài hát cũ của chương trình “Nhạc Chủ Ðề” trên làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Sài Gòn, cùng lúc với tuyển tập ca khúc thứ hai do ông sáng tác “Tôi Muốn Nói Với Em”. Và như thế, phải chăng một nhịp cầu đã được nối trở lại?
Nhưng câu hỏi ấy đặt ra để làm gì nhỉ? Ba mươi quá đủ dài để dập vùi bao nhiêu cuộc đời, xé nát bao nhiêu giấc mơ, cuốn phăng bao nhiêu ân tình, nhưng vẫn chưa và có lẽ chẳng bao giờ xóa sạch được dấu vết kỷ niệm trên ký ức của những người đã lạc nhau trong một cuộc bể dâu. Ba mươi năm trước, khi viết lời giới thiệu “Hướng Về Hà Nội”, Nguyễn Ðình Toàn nhắn nhủ rằng sự chia lìa hai thành phố trên cùng một đất nước cũng đớn đau y như cuộc phân ly giữa những cặp tình nhân sinh ra đời để yêu nhau.
Bây gờ đây, có những người mở mắt chào đời ở Hà Nội và trưởng thành ở Sài Gòn nhưng chẳng biết có còn được một ngày trở về để nhìn lại hai thành phố thân yêu ấy lần nữa hay không. Sự chia lìa giữa người và người đã trộn lẫn trong cuộc phân ly giữa người và quê hương, cũng như những con sông đều trở thành dòng vĩnh biệt để chảy vào biển cả câm lặng.
“Ta đã xa nhau như đời xa cõi chết
Có bao giờ
Còn có bao giờ ta thấy lại nhau không?”
Ðó là lời hát của “Em Còn Yêu Anh”, một trong những ca khúc Nguyễn Ðình Toàn viết khi ông sống sót trở về từ lao tù và ngơ ngác giữa một thành phố đã bị đổi tên, trên một quê hương nơi mà “sông chia dòng vĩnh biệt” và “người với người đã trở thành thiên tai”. Mỗi ca khúc ấy là hóa thân của một bài thơ, được viết trong đầu rồi hát trong tim, như sự mài dũa trí nhớ để chống chọi với một cơn mộng dữ. Nhưng dẫu cho đau buồn bao nhiêu và cay đắng chừng nào, những bài thơ ấy vẫn còn nguyên vẹn sự óng chuốt và mềm mại, cũng giống như những lời giới thiệu “Nhạc Chủ Ðề” của thập niên 60.
Thật là kỳ lạ khi mỗi câu thơ và lời hát này, sau bao nhiêu đợt sóng quay cuồng của định mệnh, vẫn có thể mang người ta trở lại với một ngày nắng vui hay một chiều mưa buồn, một buổi sớm mai trong mảnh vườn nhỏ của Hà Nội hay một đêm khuya hiu hắt trên đường phố Sài Gòn. Nếu người ta tái ngộ với chính mình qua những dòng thơ “Em Ðến Thăm Anh Ðêm Ba Mươi” thì người ta cũng cảm thấy lòng trẻ lại với “Căn Nhà Xưa”. Cái rung cảm của năm nào “Tay em lạnh để cho tình mình ấm, môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm, sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan, trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết” - vẫn trở lại đầy ắp trong lời thầm thì của mấy chục năm sau: “Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải, nơi những sớm mai nằm nghe nắng ròn trên mái... Có những sớm em tìm đến, với những đóa hồng khép nép giữa vòng tay ôm... Nghe sau lưng em có chiếc lá mừng, đã đổi màu xanh lấy hương nồng...”
Những ca khúc ấy khiến người ta bâng khuâng tự hỏi: “Biết đâu có một ngày ở hai phương trời cách biệt mà cũng đều là đất khách quê người, có đôi tình nhân cũ tuy xa nhau hàng ngàn dặm nhưng đang cùng chia xẻ với nhau một thanh âm quen thuộc, để nhắn nhủ nhau rằng “ tình ca - những tiếng nói thiết tha nhất của một đời người - bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau...”
Tôi Muốn Nói Với Em” [2001] là tuyển tập ca khúc thứ hai của Nguyễn Ðình Toàn, sau tuyển tập “Hiên Cúc Vàng” [1999] với 10 ca khúc đánh dấu những ngày đầu tiên khi tác giả đặt chân tới nước Mỹ. Và tiếp theo đó là tuyển tập thứ ba: “Mưa Trên Cây Hoàng Lan” [2002]. Một trong những ca khúc của tuyển tập này, được trình bày qua giọng hát Khánh Ly, mang tên “Nước Mắt Cho Sài Gòn”, với những lời hát mà ngay từ đầu năm 1976 đã trở thành rất quen thuộc với thính giả hải ngoại, nhưng dường như chỉ được biết đến dưới tựa đề bài hát “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” của một tác giả khuyết danh.
“Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên - như dòng sông nước quẩn quanh buồn - như người đi cách mặt xa lòng - ta hỏi thầm em có nhớ không... Sài Gòn ơi, đến những ngày ôi thành phố xôn xao - trong niềm vui tiếng hỏi câu chào - sáng đời tươi thắm vạn sắc màu - còn gì đâu...”
Cũng như Hà Nội, Sài Gòn trong lời giới thiệu “Nhạc Chủ Ðề” có thể chỉ là một nơi chốn kỷ niệm nào đó - “một thành phố nơi người ta đã yêu nhau”. Nhưng đối với tác giả bài hát, và đối với cả một thế hệ những người yêu quý ông, Sài Gòn giống như một chiếc hộp thần bí mà Pandora đã vô tình mở ra, và những oan khiên thống khổ tràn ngập không gian là cái giá phải trả cho những hạnh phúc tuyệt vời mà người ta nhận từ thế giới huyễn hoặc của một thời tuổi trẻ.
Sài Gòn là nơi từ đó, suốt thập niên 60, qua làn sóng điện giữa đêm khuya thanh vắng, chương trình “Nhạc Chủ Ðề” đã gửi đến thính giả những viên ngọc trác tuyệt nhất của kho tàng tình ca Việt Nam, những sáng tác bất hủ của Ðoàn Chuẩn, Ðặng Thế Phong, Nguyễn Thiện Tơ, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Ngọc Bích, Lâm Tuyền, Phạm Duy, Hoàng Trọng, Nhật Bằng... mỗi bài hát là tặng vật vô giá mà chỉ riêng các cặp tình nhân Việt Nam mới có thể chia sẻ cùng nhau. Sài Gòn cũng là nơi mà Nguyễn Ðình Toàn đã viết lên những ca khúc của chính ông, đầy chất thơ và miên man tình tự, ghi lại dấu vết những cuộc tình không may, nổi trôi giữa cơn gió định mệnh khắc nghiệt, trên một quê hương tan nát vì khói lửa đạn bom. “Một Ngày Sau Chiến Tranh” là một trong những ca khúc ấy, vẽ lên hình ảnh quê hương như trong giấc mơ, những người trai trẻ ra đi ngày nào khi trở lại thấy mình già, nhưng “dẫu sao lòng anh vẫn đầy bao nỗi vui, đóa xương rồng sắc tươi hồng trong bó gai, ôi gió mát trời xanh ơi, sông sâu chôn những hồn ai, cây cao đã héo bao nhiêu nụ đời...”
Tiếc thay chiến tranh không tàn như trong một giấc mơ. Chiến tranh đã kết thúc bằng một cơn ác mộng, và ngay cả những viễn ảnh đen tối nhất vẽ nên bởi một đầu óc bi quan nhất cũng không thể so sánh nổi với thực tại về mức độ kinh hoàng. Cuộc chiến nửa thế kỷ chỉ kết thúc để mở đầu cho một thảm kịch mới, để biển Ðông trở thành mồ chôn cả triệu xác người, mảnh đất quê hương biến thành trại tù vĩ đại, và người ta bám víu vào mỗi cuộc chia ly như một niềm hy vọng đau xót. Trong những năm tháng nhọc nhằn cùng khổ, đầy bất trắc ấy, giữa một thành phố yêu dấu đã bị mất tên, có những người bạn thầm thì với nhau “Nước Mắt Cho Sài Gòn”, để nhớ... Rồi cơn sóng thời gian lại cuốn đi, hết thập niên 70, rồi hết thập niên 80, cuộc bể dâu tiếp tục vùi dập từng mảnh đời, chia xa những thân tình, thử thách những số mệnh, như âm vang của một lời tiên tri nhẹ nhàng nhưng đau đớn:
“Này đường xưa tôi đi
Khóm cây bao lần thay lá nhớ
Dòng đời trôi quanh co
Có khi xui người lỗi hẹn hò
...”
Dường như mỗi bài hát mà Nguyễn Ðình Toàn đã viết và mang theo khi ông rời xa quê hương là dấu vết còn sót lại của một thời mà người ta cùng nghe với nhau và hát cho nhau nghe những bản tình ca. Những bài hát ấy rất buồn, mỗi lời hát có thể như một tiếng thở dài chua xót, nhưng đó là ngôn ngữ của tình ca, của hạnh phúc và khổ ải quyện lẫn với nhau thành tặng phẩm của trần gian. Như ai đã nói: “Chẳng có gì khác biệt giữa những giọt lệ khóc thương và những giọt lệ mừng vui”, biết đâu mỗi kỷ niệm đắng cay âm thầm chứa đựng một phút giây hạnh phúc?
Và nếu Sài Gòn - như lời hát viết cho một người tình đã mất tên - chính là chiếc hộp oan nghiệt mà Pandora đã mở ra, thì người ta cũng có thể nhắc nhở nhau rằng chiếc hộp ấy đã được đóng lại sau khi tất cả những thống khổ và bất hạnh đã tràn ngập không gian, và nơi đáy hộp vẫn còn sót lại một tặng vật cuối cùng, mang tên hy vọng, để Sài Gòn sẽ không mãi mãi chỉ là một “Quê Hương Thu Nhỏ” trong lòng người viễn xứ.
Đào Trường Phúc

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire